Theo trang mạng ft.com/irishtimes.com/Bloomberg.com, rất nhiều cuộc tranh luận gần đây về sự tiếp quản và đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu đã được tiến hành với những lời lẽ “mập mờ” về vấn đề an ninh.
Các tình báo ở Anh và Đức công khai bày tỏ lo ngại về hậu quả của việc cho phép các tập đoàn Trung Quốc như Huawei tham gia các mạng lưới di động 5G của họ.
Một đoàn đại biểu của Đức mới đây thậm chí vừa tới Trung Quốc để nghiên cứu về ý tưởng một thỏa thuận “không gián điệp."
Tuy nhiên, những quan ngại thực sự về các thỏa thuận này vượt ra bên ngoài vấn đề an toàn chung và phòng thủ. Tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đề xuất các kế hoạch ban hành luật để cho phép chính phủ có cổ phần trực tiếp trong các công ty ở một số lĩnh vực quan trọng nhất định.
Mặc dù chi tiết kế hoạch vẫn chưa được làm rõ, nhưng ý tưởng ở đây là thiết lập một quỹ công để tạm thời nắm giữ cổ phần trong các công ty tư nhân nhằm ngăn chặn hay thậm chí đẩy lui sự tiếp quản của nước ngoài. Kế hoạch này có thể nhắm tới các lĩnh vực liên quan đến chính sách phòng thủ hay an ninh.
Các chính phủ châu Âu khác cũng bắt đầu thắt chặt các quy trình rà soát. Chính phủ Anh đã đề xuất các luật mới, bao gồm giảm bớt quy mô tiếp quản các dự án và rà soát các quỹ đầu tư. Thậm chí Hội đồng châu Âu đang tìm cách thiết lập tiến trình riêng để rà soát các khoản đầu tư trực tiếp.
Trong khi đó, ngày 23/3, Italy đã trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G-7 ký kết biên bản ghi nhớ “Vành đai và Con đường,” đồng ý tham gia sáng kiến do Trung Quốc dẫn đầu nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại trên toàn cầu.
Việc Italy ký kết biên bản này đã làm kích động lo ngại ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về tham vọng chi phối kinh tế của cường quốc châu Á này. Biên bản ghi nhớ giữa hai bên đã được chính thức thông qua tại Rome hôm 23/3.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng ông hy vọng có được sự hợp tác của Pháp trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Trong lá thư gửi tới tờ Le Figaro, Tập Cận Bình kêu gọi gia tăng thương mại và đầu tư giữa hai nước. Ông liệt kê các lĩnh vực có tiềm năng thúc đẩy quan hệ như năng lượng, hàng không, vũ trụ và nông nghiệp.
Về phần mình, mặc dù Tổng thống Macron rất trân trọng sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và hợp tác với Pháp ở châu Phi, nhưng ông vẫn hoài nghi về sáng kiến BRI.
Mong muốn của ông Macron về việc thúc đẩy một chiến lược thống nhất của EU về BRI đã có sự khởi đầu không mấy suôn sẻ. Ông đã rất ngạc nhiên khi Italy trở thành thành viên đầu tiên của G7 ký kết biên bản bí mật về BRI với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuần trước. Croatia, Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Hungary, Malta, Ba Lan và Bồ Đào Nha đã ký kết các thỏa thuận tương tự.
[Italy tham gia ‘Vành đai và Con đường’: Cái bắt tay nhiều toan tính]
Ông Macron cũng đang vận động trong EU về một chính sách “có đi có lại” thống nhất giữa Trung Quốc và EU để tiếp cận các thị trường chung, và để giám sát hoạt động đầu tư của Trung Quốc trong các lĩnh vực chiến lược tại châu Âu. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói rằng ông đã từ chối rất nhiều “đầu tư mang tính cướp bóc” của Trung Quốc.
Như vậy, trong một thế giới lý tưởng, các quốc gia châu Âu có thể phối hợp trong cách tiếp cận, do đó giúp xác định điều gì cấu thành nền tảng cho việc giám sát lợi ích chung. Tuy nhiên, một rào cản lớn ở đây là mức độ phụ thuộc khác nhau của họ vào nguồn vốn nước ngoài.
Mặc dù các nước có thặng dư với Trung Quốc - như Đức - có thể sẵn sàng ngừng tiếp nhận đầu tư từ Trung Quốc, nhưng điều đó không nhất thiết áp dụng với các nước cần sự đầu tư nước ngoài như nguồn lực thúc đẩy kinh tế. Trong xã hội châu Âu hiện đại, cũng như ở nơi khác, cần lập ra chính sách an ninh và kinh doanh mà bạn có đủ khả năng thực hiện./.