Vấn nạn đường lậu vẫn đang ''bức tử'' ngành mía đường Việt Nam

Tồn kho đường cao ngất ngưỡng trong bối cảnh giá bán xuống thấp, đường lậu lại được bày bán công khai ở khắp nơi... khiến nhiều nhà máy “đứng ngồi không yên.”
Vấn nạn đường lậu vẫn đang ''bức tử'' ngành mía đường Việt Nam ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)

Chỉ còn khoảng một tháng nữa, ngành mía đường sẽ bắt đầu bước vào niên vụ thu hoạch mới, thế nhưng tình hình tiêu thụ đường hiện vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn.

Tồn kho đường cao ngất ngưỡng trong bối cảnh giá bán xuống thấp, đường lậu lại được bày bán công khai ở khắp nơi... khiến nhiều nhà máy “đứng ngồi không yên.”

“Chao đảo” vì đường lậu

Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong suốt 23 năm thực hiện Chương trình 1 triệu tấn đường của Chính phủ thì niên vụ 2017-2018 là khó khăn nhất của ngành mía đường Việt Nam. Việc tiêu thụ chậm, tồn kho lớn và giá đường liên tục giảm sâu đã khiến nhiều nhà máy đường lao đao.

Hiện còn một số nhà máy do giá bán thấp, tiêu thụ chậm nên vẫn nợ tiền mía nông dân. Trong khi đó, niên vụ mới lại sắp bắt đầu, việc đẩy mạnh tiêu thụ đường hiện nay là bài toán khó cần phải giải quyết sớm.

Một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường chao đảo mạnh trong năm qua, đó là do tác động của tình trạng buôn lậu và gian lận đường chưa được kiểm soát chặt chẽ. Trên thực tế, tác động của vấn nạn đường lậu không còn xa lạ gì với ngành đường trong nước.

[Nhà máy đường Sóc Trăng đã trả hết 100 tỷ đồng tiền nợ nông dân]

Ông Phạm Quốc Doanh cũng cho biết chưa bao giờ và chưa có năm nào tình trạng buôn lậu đường lại nghiêm trọng như niên vụ này. Gần như có thời điểm đường lậu chiếm lĩnh thị trường trong nước, được bày bán công khai và thách thức các cơ quan chức năng.

“Thậm chí, khi đoàn liên ngành đi kiểm tra một số cửa hàng, tạp hoá ở các tỉnh miền Tây và duyên hải miền Trung thì đường lậu còn được bày bán công khai với bao bì nguyên xi nhãn mác Thái Lan. Đây là vấn đề nghiêm trọng, vừa thách thức cơ quan chức năng, vừa “bức tử” ngành đường trong nước,” ông Doanh nói.

Một số nhà máy đường khi phóng viên hỏi tới vấn đề này đều tỏ vẻ chán nản, không muốn đề cập. Bởi lẽ, đường lậu giờ không chỉ xuất hiện ở các tỉnh dọc biên giới Tây Nam Bộ hay duyên hải Trung bộ mà đang hoành hành khắp cả nước. Dù các doanh nghiệp, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã đề cập, phản ánh nhiều lần, nhưng vấn nạn này vẫn chưa được xử lý, giải quyết triệt để và đang tác động xấu đến ngành đường trong nước.

Trong vài năm gần đây, vấn nạn đường lậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tiêu thụ đường nội địa. Đơn cử như tại niên vụ 2016-2017, có thời điểm tồn kho của ngành đường lên cao kỷ lục, trên 700.000 tấn và đến cuối kỳ thì tồn kho vẫn còn gần 600.000 tấn. Với việc tiêu thụ chậm và có mức tồn kho cao ngất ngưởng như trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tiêu thụ đường trong niên vụ 2017-2018.

Vấn nạn đường lậu vẫn đang ''bức tử'' ngành mía đường Việt Nam ảnh 2Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)

Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho thấy, tính đến ngày 15/8, vẫn còn trên 622.000 tấn đường tồn kho tại các nhà máy trong cả nước, cao hơn cùng kỳ năm trước 67.500 tấn. Đây là mức tồn kho khá cao, do lượng đường tồn kho trong niên vụ trước còn lại, cộng với lượng đường tiêu thụ chậm trong những tháng cuối vụ thu hoạch.

Theo các doanh nghiệp, giá đường Thái Lan nhập lậu luôn thấp hơn từ 1.000-2.000 đồng/kg so với thị trường đường nội địa. Trong khi đó, giá thành sản xuất đường của các nhà máy đường Việt Nam luôn cao hơn Thái Lan từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Điều này khiến cho ngành đường trong nước khó có thể cạnh tranh với đường nhập lậu.

Tìm giải pháp khắc phục

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, để ứng phó với tình trạng đường lậu hoành hành, trong niên vụ 2017-2018, các nhà máy đường trong nước đã phải chấp nhận bán ngang giá, sát giá với đường lậu, nhiều nhà máy chấp nhận thua lỗ. Đến thời điểm này, các nhà máy đã bán dưới 11.000 đồng/kg. Đây là mức giá bán thấp nhất trong nhiều năm qua và có khả năng giá đường không thể có mức bán cao như những năm trước nữa.

Trước tình hình tiêu thụ đường còn nhiều khó khăn, tồn kho cao, nhiều doanh nghiệp đề xuất dừng hẳn việc tạm nhập tái xuất đường, bởi điều này sẽ gây thêm sức ép cho ngành trong thời gian tới.

Ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho rằng việc thực hiện tạm nhập tái xuất đường nhưng kiểm soát chưa tốt đang gây khó khăn cho sản xuất và tiêu thụ đường nội địa. Đường lậu không phải gánh chịu hai khoản thuế nhập khẩu và thuế VAT, lại có giá bán rẻ hơn đường nội địa ít nhất 1.000 đồng/kg khiến nhiều doanh nghiệp muốn chạy đua phải bán ngang bằng hoặc dưới giá thành.

Tuy nhiên, việc hạ giá đường nội địa xuống 1.000 đồng/kg, cũng đồng nghĩa với việc phải giảm giá mía của nông dân. Bình quân, mỗi 1kg mía nếu giảm 100 đồng, thì với sản lượng mía ép cả nước hơn 15 triệu tấn sẽ tương đương tổng thiệt hại 1.500 tỷ đồng. Đây là thiệt hại rất lớn nhưng chưa ai tính đến.

Cũng cùng quan điểm trên, ông Đặng Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Sơn La cho biết giá đường lậu đang thấp hơn đường nội địa nhờ vào khoản “trốn thuế,” nhất là không phải đóng thuế VAT. Bởi lẽ, xét theo giá bán của thế giới, đường Việt Nam dao động từ 10.200-10.400 đồng/kg (đã có thuế VAT). Thực tế, giá bán tại các nhà máy chỉ có 9.700-9.800 đồng/kg.

Với mức giá này thì giá đường Việt Nam đã tiệm cận thế giới, trong khi giá mía thu mua lại cao hơn thế giới từ 20-40%. Phần thuế VAT này là các nhà máy đang phải gánh cho nông dân, vì khi thu mua mía của nông dân không có VAT đầu vào nên không thể khấu trừ được. Nếu không phải chịu thuế VAT thì đường nội địa hoàn toàn có thể cạnh tranh với đường nhập lậu.

Do vậy, để thúc đẩy tiêu thụ đường, giải phóng hàng tồn kho cũng như giúp doanh nghiệp có dòng tiền chia sẻ với nông dân trong việc thu mua mía, đại diện doanh nghiệp này kiến nghị giảm mức thuế VAT xuống còn 0% cho các doanh nghiệp mía đường, thay vì 5% như hiện nay.

Theo ước tính, đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam hàng năm ít nhất là 500.000 tấn lên đến hơn 1 triệu tấn đường trở lên. So với nhu cầu tiêu thụ trong nước và thực tế sản xuất cũng như lượng đường nhập lậu thì hiện nay ngành đường đang dư thừa ít nhất 500.000 tấn đường/năm. Do vậy, để hỗ trợ tiêu thụ đường, các doanh nghiệp cũng kiến nghị các địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường chống buôn lậu hơn nữa trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị tạm thời chưa đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong niên vụ 2018-2019. Bởi lẽ, với tình hình tồn kho còn cao như hiện nay thì việc nhập khẩu sẽ gây sức ép rất lớn cho các nhà máy đường, nhất là những nhà máy có tồn kho đường cao và đang nợ tiền mía của nông dân.

Theo nhận định của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2018-2019 vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn về tiêu thụ đường. Do vậy, Hiệp hội cũng lưu ý các nhà máy đường cần lựa chọn giải pháp đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm từng bước đa dạng hoá sản phẩm để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, cần rà soát, tổ chức lại hệ thống tiêu thụ, bán hàng, giảm chi phí trung gian, hình thành khách hàng truyền thống, gắn kết giữa sản xuất mía đường với công nghiệp chế biến thực phẩm, thương mại, logistics./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.