Vấn nạn "vàng tặc": "Không loại trừ việc chính quyền bao che, phớt lờ"

Mặc dù đã xảy ra không ít vụ sập hầm gây tai nạn thương tâm, thế nhưng nhiều năm nay, tình trạng khai thác vàng trái phép tại Quảng Nam vẫn diễn ra rầm rộ trước sự bất lực của chính quyền địa phương.
Vấn nạn khai thác vàng trái phép diễn ra rầm rộ tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau vụ tai nạn sập hầm vàng khiến 4 người thiệt mạng xảy ra tại huyện Nam Giang, những tưởng sẽ là hồi chuông cảnh báo cho những người đang phá rừng để “rút ruột tài nguyên.”

Thế nhưng, hàng ngày, những hầm khai thác vàng trái phép ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam vẫn hoạt động công khai, trước sự bất lực của chính quyền địa phương.

Sau truy quét, “vàng tặc” lại tái diễn

Từ gợi ý của người dân bản địa, chúng tôi vào vai những người đi rừng, di chuyển đến khu vực đang có nhóm người khai thác vàng trái phép tại xã Phước Thành, huyện Phước Sơn - đây là một trong những huyện “điểm nóng” về vấn nạn khai thác vàng trái phép đang xảy ra rầm rộ, nhức nhối trong nhiều năm nay ở tỉnh Quảng Nam.

Sau gần hai giờ di chuyển bằng xe máy, chúng tôi cũng tiếp cận được “trận địa” khai thác vàng trái phép. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, những hầm hố ngang dọc, đất đá bị cày xới tan hoang. Xung quanh, hàng chục lán trại được dựng tạm bợ bên các vách núi.

Theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, tại khu vực khai thác vàng trái phép xã Phước Thành đã từng xảy ra vụ ngạt khí khiến phu vàng bị thương. Tuy nhiên, thời gian qua hầm vàng trái phép này vẫn đang hoạt động. Chỉ đến khi phát hiện “động tĩnh” của lực lượng chức năng, nhóm phu vàng nơi đây mới chịu rời bỏ hiện trường.

Ngay sau khi rút khỏi khu vực ​trên, chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Hồ Quang Hường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phước Sơn. Tại buổi làm việc, ông Hường liên tục khẳng định: “Tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn diễn biến hết sức phức tạp.”

Ông Hường cho biết, chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng của huyện đã tuần tra, truy quét 4 đợt khai thác vàng. Qua đó phát hiện trên 10 tổ ​đào vàng trái phép, đã phá hủy nhiều máy bơm nước, máy phát điện…

Về lý do khiến tình hình khai thác vàng trái phép trên địa bàn hiện còn diễn biến phức tạp, ông Hường cho hay: “Do địa hình rừng núi đi lại khó khăn, khu vực khai thác lại nằm cách xa khu dân cư nên rất khó truy quét, xua đuổi. Trong việc này, con người bé nhỏ, núi rừng rộng lớn, nên rất khó quản lý.”

Góp thêm tiếng nói, ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Phước Sơn cho hay, hàng năm, lực lượng chức năng của huyện Phước Sơn vẫn tổ chức truy quét vào những thời điểm nóng với tần suất 4 lần/năm.

Ông Toàn cũng cho biết, mỗi khi nghe tin xuất hiện hầm khai thác vàng trái phép, địa phương đã chỉ đạo cho lực lượng chức năng và có cả lãnh đạo xã cùng sự phối hợp tổ chức truy quét “vàng tặc.” Thế nhưng, khi lực lượng chức năng vào đến hiện trường thì “vàng tặc” đã biết trước và ẩn náu. ​Đợi đến khi lực lượng này ​rút đi thì “vàng tặc” lại hoạt động bình thường.

Hay như tại huyện Bắc Trà My, mặc dù số lượng đợt ra quân truy quét “vàng tặc” nhiều gấp 2-3 lần Phước Sơn, song tình hình vẫn chưa mấy khả quan.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Xuân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết, trong năm 2015, các xã, thị trấn trên địa bàn đã tổ chức 9 đợt kiểm tra, truy quét khai thác quặng thiếc trái phép và 79 đợt  kiểm tra, truy quét khai thác vàng trái phép.

Qua các đợt truy quét, lực lượng chức năng đã phá hủy 41 lán trại khoảng 1.900 m2 bạt xanh; hơn 13.500m dây dẫn nước, 11 máy nổ và hiều phương tiện khác. Đối với lực lượng cơ động của huyện (gồm phòng tài nguyên và môi trường, Công an huyện, dân quân xã…) cũng đã tiến hành truy quét 48 đợt, phá hủy nhiều phương tiện, đẩy đuổi trên 200 đối tượng.

Bên cạnh đó, huyện Bắc Trà My cũng tổ chức lực lượng chốt giữ bảo vệ khoáng sản tại 4 "khu vực nóng" là Nước Oa (Trà Tân); Dương Hòa (Trà Sơn); Nước Vin (Trà Giác) và Cốn Ba Bi (Trà Nú) theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện. Theo đó, huyện đã huy động 120 lượt cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng chức năng, nhờ đó tình hình khai thác trái phép trên địa bàn có giảm đáng kể.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc lập chốt truy quét trên tương đối tốn kém với một huyện nằm trong diện 30ha như Bắc Trà My, bởi kinh phí cho việc này tương đối lớn, trong khi nguồn thu trên địa bàn rất thấp, cả huyện chỉ có 1 đơn vị được cấp phép khai thác đá.

“Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm chúng tôi phải bỏ ra 1,2 tỷ đồng cho công tác lập chốt truy quét ‘khoáng tặc.’ Trong năm 2016 này, chúng tôi tiếp tục đề xuất kinh phí lên tới 1,5 tỷ đồng. Thế nhưng, nếu việc này vẫn luôn phải tiếp tục, không biết huyện có thể gánh nổi đến bao giờ?” - ông Xuân trăn trở.

Điều đáng lưu ý là, không chỉ bỏ kinh phí lớn, trong quá trình truy quét các đối tượng khai thác trái phép, lực lượng chức năng còn gặp rất nhiều nguy hiểm khi bị các đối tượng tấn công bằng cách lăn đá, đe dọa chém, giết, gặp nguy hiểm khi tiêu hủy tang vật.

Anh Nguyễn Hữu Nhân, dân quân xã Trà Sơn, thuộc lực lượng cơ động huyện Bắc Trà My cho biết, năm 2013, khi cùng lực lượng cơ động huyện khi tham gia thiêu hủy tang vật, bình xăng (dùng để chạy máy phát điện) đã nổ khiến anh cùng một đồng chí khác bị bỏng nặng. Anh cũng cho biết, từ khi đi làm đến nay, anh còn nhiều lần bị đe dọa mỗi khi tham gia truy quét “vàng tặc.”

Máy móc dùng để khai thác vàng bị tịch thu tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Không loại trừ việc bao che, phớt lờ”

Trước những thắc mắc của phóng viên, vì sao “vàng tặc” hoạt động công khai nhưng lực lượng chức năng vẫn để như vậy​, ông Bùi Văn Ba, Trưởng phòng Khoáng sản - Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam trả lời rằng, tại các khu vực điểm nóng, lực lượng kiểm tra còn mỏng, thiếu kinh phí nên công tác truy đuổi "vàng tặc" vẫn chưa được sát sao.

Ông Ba cũng thẳng thắn cho biết, hiện nay, tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn còn diễn ra phổ biến ở các huyện Phước Sơn, Nam Giang, Bắc Trà My và Phú Ninh. Tuy nhiên, khu vực khai thác vàng trái phép thường nằm xa khu dân cư, địa hình rừng núi đi lại phức tạp, nên việc truy quét, đẩy đuổi rất khó khăn.

“Vì thế, nếu các địa phương (huyện, xã) không báo cáo thì Sở Tài nguyên và Môi trường cũng không nắm được để xử lý,” ông Ba nói.

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng khai thác vàng khó xử lý triệt để là do khoáng sản phân bố nhỏ lẻ; đồng thời cũng vị này khẳng định không loại trừ khả năng chính quyền địa phương cấp cơ sở vì áp lực nguồn thu đã buông lỏng quản lý, hay bao che cho nạn khai thác vàng trái phép.

Trước khi kết thúc buổi làm việc, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam còn nói như đinh đóng cột rằng, để xử lý tình trạng khai thác vàng trái phép, các địa phương đã đưa ra những giải pháp rất chặt chẽ, nhưng vẫn không thể dẹp triệt để. Lý do là, lợi nhuận từ khai thác trái phép cao nên lực lượng chức năng truy quét có phá máy móc, thì “vàng tặc” vẫn mua lại được.

Và, cứ như thế, năm nào Quảng Nam cũng xảy ra tai nạn chết người ở các hầm khai thác vàng trái phép, trong khi chính quyền sở tại vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để./.

Dai dẳng nạn 'ăn cắp' khoáng sản, 'xù nợ' thuế ở Quảng Nam

Tình trạng thất thu thuế tài nguyên từ mảnh đất mệnh danh “núi vàng” Quảng Nam là một thực trạng nức nhối kéo dài trong suốt nhiều năm qua, nhưng đến nay chính quyền sở tại vẫn chưa đưa ra được lời giải thỏa đáng.Điều đáng nói là, không chỉ thất thu thuế đối với những vụ việc “ăn cắp” vàng trái phép, mà cả với các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ cũng tìm đủ lý do để “xù nợ" thuế, khiến ngân sách Nhà nước thất thu hàng trăm tỷ đồng.

Bài 3: Bài 3: “Xù nợ" thuế phí: Thu 24 tỷ, hoàn thu 28 tỷ, có đau xót không?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục