Vận tải biển được dự đoán sẽ đạt mức kỷ lục vào năm 2023

Hoạt động vận tải biển đang phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh các công ty vận tải “vung tiền” để mở rộng đội tàu container của mình.
Vận tải biển được dự đoán sẽ đạt mức kỷ lục vào năm 2023 ảnh 1(Nguồn: allianz.com)

Hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường biển toàn cầu đã bị ngắt quãng nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng dịch COVID-19, song hiện đang phục hồi và dẫn tới "bùng nổ" số đơn hàng mua tàu mới trong bối cảnh ngành này vật lộn với tình trạng thiếu tàu.

Khi giá vận tải biển tăng mạnh, các công ty vận tải đã “vung tiền” để mở rộng đội tàu của mình.

Khả năng vận tải mới được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục vào năm 2023 nhờ đà phục hồi sau dịch đang diễn ra mạnh mẽ.

Nhà trung gian môi giới đường biển của Italy Banchero Costa cho biết: “Đơn đặt mua tàu container đang bùng nổ.”

Theo số liệu của công ty, riêng trong 7 tháng đầu năm nay, đã có ít nhất 276 đơn đặt hàng mua tàu biển mới, giúp tăng hơn 10% khả năng của đội tàu container lớn này.

Tuy nhiên, sẽ phải mất ít nhất 2 năm để đóng được một con tàu mới, vì vậy thị trường vẫn “nóng” trong ngắn hạn. Banchero Costa hy vọng tăng trưởng công suất vận tải biển có thể đạt mức khiêm tốn là 3% trong năm 2021 và 2022.

Trong khi đó, giá vận tải hàng hóa tăng mạnh trong những tháng gần đây, chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu tàu để đáp ứng nhu cầu vận tải.

[Cước vận tải biển tăng phi mã: Doanh nghiệp lao đao, hãng tàu vớ bẫm]

Chỉ số giá vận tải đường biển quốc tế Freightos Baltic Index cho thấy các giá vận tải cho tuyến đường từ Trung Quốc đến khu vực Bờ Tây Bắc Mỹ đã tăng hơn gấp 5 lần trong một năm.

Ông Alan Murphy, người đứng đầu công ty tư vấn Sea-Intelligence của Đan Mạch, nhận định dịch COVID-19 đã khiến vận tải đường biển toàn cầu rơi vào thế “bế tắc ảo” trong giai đoạn đầu dịch.

Nhưng nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển đã tăng trưởng mạnh kể từ giữa năm 2020, đặc biệt là trong năm nay.

Tập đoàn vận tải biển khổng lồ CMA-CGM của Pháp dự báo mức tăng trưởng này có thể tiếp tục trong nửa đầu năm 2022.

Ngành vận tải biển hiện đã sẵn sàng chi tiền để mua nhiều tàu mới sau một thập kỷ nguồn cung èo ọt.

Công ty vận tải biển lớn nhất thế giới AP Moller-Maersk của Đan Mạch đã ghi nhận lợi nhuận đạt 3,71 tỷ USD trong quý 2, tăng 30% so với cả năm 2020.

Trong khi đó, CMA-CGM của Pháp ghi nhận lợi nhuận ròng quý 2 khoảng 3,5 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giám đốc điều hành CMA-CGM, ông Rodolphe Saade cho biết: “Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu đã dẫn tới nhu cầu tăng chưa từng thấy về các dịch vụ vận tải và logistic.”

CMA-CGM đã đặt mua 22 tàu container mới, dự kiến vận hành vào năm 2023 và 2024. Công ty sẽ nhận 14 tàu mới trong năm nay. Ngoài ra, công ty cũng đặt mua tàu đã qua sử dụng, và sẽ nhận tổng cộng 32 tàu như vậy trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.