Vận tải hàng không dân dụng có thể hoàn toàn phục hồi vào năm 2023

Sau khi lượng khách hàng không phục hồi và quay trở lại như thời điểm trước đại dịch vào năm 2023, dự báo tới cuối thập kỷ này, mỗi năm ngành hàng không thế giới sẽ vận chuyển 5,6 tỷ lượt khách.
Vận tải hàng không dân dụng có thể hoàn toàn phục hồi vào năm 2023 ảnh 1Hành khách tại sân bay quốc tế Changi, Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tới năm 2023, số lượng hành khách sử dụng dịch vụ vận tải hàng không trên toàn cầu có thể phục hồi trở lại mức trước khi bùng phát đại dịch COVID-19.

Trong dự báo đưa ra ngày 26/5, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) nhấn mạnh nhiều nước trên thế giới hiện vẫn phải áp đặt các biện pháp hạn chế do dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Điều này khiến cơ quan trên thận trọng dự báo lượng khách sử dụng dịch vụ vận tải hàng không trong năm 2021 sẽ chỉ đạt mức gần 52% so với mức trước khi đại dịch xảy ra (năm 2019).

Tuy nhiên, con số này sẽ tăng lên 88% vào năm 2022 và trở lại mức của năm 2019 vào năm 2023.

[IATA: Tăng trưởng vận tải hàng hóa hỗ trợ ngành hàng không phục hồi]

IATA cũng cho biết sau khi lượng khách hàng không phục hồi và quay trở lại như thời điểm trước đại dịch vào năm 2023, dự báo tới cuối thập kỷ này, mỗi năm ngành hàng không thế giới sẽ vận chuyển một số lượng hành khách trung bình là 5,6 tỷ lượt.

Theo Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), trong năm ngoái, ngành hàng không đã vận chuyển 1,8 tỷ lượt hành khách, tương đương với lượng hành khách của năm 2003.

Trong thập kỷ này, đại dịch COVID-19 đã kéo tăng trưởng của ngành hàng không chậm lại từ 2-3 năm.

Tổng Giám đốc IATA, ông Willie Walsh nhận định ngành hàng không thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và tồi tệ nhất trong lịch sử.

Tuy nhiên, với việc ngày càng có nhiều người được tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19, ngành hàng không sẽ có thể sớm phục hồi.

Cơ quan này dự báo lượng khách tăng trưởng trung bình hằng năm của ngành trong giai đoạn 2019-2039 sẽ là 3,2%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.