Vàng bớt “lấp lánh” với quan điểm lãi suất của Fed​

Vàng đã để mất hơn 8% giá trị trong quý 2/2022, ghi nhận quý giao dịch tồi tệ nhất kể từ quý 1/2021. Riêng tháng 6/2022, vàng đã giảm hơn 2% và là tháng sụt giảm thứ ba liên tiếp.
Vàng bớt “lấp lánh” với quan điểm lãi suất của Fed​ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Vàng đã để mất hơn 8% giá trị trong quý 2/2022, ghi nhận quý giao dịch tồi tệ nhất kể từ quý 1/2021. Riêng tháng 6/2022, vàng đã giảm hơn 2% và là tháng sụt giảm thứ ba liên tiếp.

Giá vàng kỳ hạn giao tháng 8/2022 trên sàn giao dịch kim loại COMEX (New York) đã giảm 10,2 USD (0,6%) xuống 1.807,30 USD/ounce.

Trong vài tuần qua, vàng vẫn bị mắc kẹt trong biên độ giao dịch hẹp ở mức thấp 1.800 USD/ounce.

Các nhà giao dịch cho rằng tình trạng bất ổn của vàng là do những đồn đoán liên quan đến việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong bối cảnh cơ quan này nỗ lực kiềm chế lạm phát, hiện đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm.

Mặc dù vậy, một số nhà kinh doanh vàng vẫn nhận thấy lý do để lạc quan về triển vọng trong ngắn hạn của kim loại quý này.

Phillip Streible, chiến lược gia kim loại quý của công ty dịch vụ tài chính Blue Line Futures ở Chicago (Mỹ), cho biết mức tăng của đồng USD có thể sẽ “biến mất” khi Fed không còn quá cứng rắn với kế hoạch tăng lãi suất, điều có lợi cho vàng.

Vàng sẽ phản ứng với lạm phát như thế nào đã trở thành một câu hỏi hóc búa đối với các nhà đầu tư kể từ khi kim loại quý này tăng lên mức cao kỷ lục trên 2.100 USD/ounce trong tháng 8/2020, sau đó giảm xuống mức 1.600 USD/ounce trong một thời điểm trước khi phục hồi về mốc 2.000 USD/ounce, dù trong thời gian ngắn.

Mặc dù được coi là hàng rào chống lạm phát, mối quan hệ giữa vàng và áp lực giá hầu như không thay đổi trong hai năm qua. Mặt khác, lạm phát của Mỹ đã liên tục tăng trong chín tháng qua trong khi nền kinh tế đầu tàu thế giới liên tục gặp khó khăn.

Số liệu mới nhất từ Bộ Thương mại Mỹ ngày 29/6 cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm khoảng 1,6% trong quý I/2022 so với mức tăng 6,9% trong quý 4/2021.

Số liệu GDP đã củng cố đồn đoán của thị trường rằng Mỹ đang đứng trước một cuộc suy thoái kinh tế. Với mức giảm 1,6% trong quý 1/2022, về mặt kỹ thuật, nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái nếu không tăng trưởng trở lại vào cuối quý thứ hai, kết thúc vào ngày 30/6.

[Các nhà đầu cơ vào cuộc khiến thị trường vàng giảm mạnh]

Trong khi đó, phát biểu tại một sự kiện của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) được truyền trực tiếp từ Bồ Đào Nha, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho hay Fed đang cố gắng đối phó với lạm phát. Fed không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tăng lãi suất để đạt được điều này, mặc dù không có gì đảm bảo cơ quan này có thể giúp nền kinh tế “hạ cánh mềm”.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng Fed đã để “lãi suất quá thấp trong thời gian quá dài.” Fed đã giữ lãi suất ở mức từ 0% đến 0,25% trong hai năm trong giai đoạn dịch bệnh và chỉ tăng lãi suất trong năm nay vào tháng 3/2022.

Tiếp đó, Fed tháng 6/2022 đã tăng phạm vi lãi suất cơ bản lên 1,5-1,75%. Fed cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát, hiện ở mức cao nhất trong 40 năm là hơn 8%, quay trở lại mục tiêu 2% mỗi năm.

Tuy nhiên, động thái tăng lãi suất như vậy có thể không phải là "điềm báo" tốt cho vàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.