Vàng vững giá trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ

Vàng vững giá trong phiên giao dịch chiều ngày 26/7, sau khi giảm giá liên tiếp trong hai phiên trước đó, giữa bối cảnh đồng USD yếu đi và thị trường cổ phiếu “im ắng” trước thềm cuộc họp của Fed.
Vàng vững giá trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Vàng vững giá trong phiên giao dịch chiều ngày 26/7, sau khi giảm giá liên tiếp trong hai phiên trước đó, giữa bối cảnh đồng USD yếu đi và thị trường cổ phiếu “im ắng” trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra trong hai ngày 26-27/7.

Nhà giao dịch duy trì tâm lý thận trọng khi chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed, thúc đẩy giá của các kênh đầu tư an toàn, và giúp đồng yen tăng giá so với USD.

Tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.316,8 USD mỗi ounce vào lúc 13 giờ 55 phút theo giờ Việt Nam.

Đóng cửa phiên 25/7, giá kim loại quý này đứng ở mức 1.315,15 USD mỗi ounce.

Giới quan sát dự đoán các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ trong cuộc họp tuần này, song nhà đầu tư đều sẵn sàng đón nhận bất cứ “manh mối” nào về kế hoạch tăng lãi suất của Fed trong năm nay.

Giá vàng rất nhạy cảm với chính sách tiền tệ của Mỹ, do lãi suất cao khiến nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm các kênh đầu tư sinh lời cao như chứng khoán, đồng thời làm giảm nhu cầu đầu tư vào vàng khi đồng USD tăng giá.

Trong phiên 25/7, lượng vàng do quỹ giao dịch vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ đã giảm 0,46% xuống 958,69 tấn.

Cùng phiên này, trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,3% lên 19,59 USD mỗi ounce. Giá bạch kim cũng nhích thêm 0,2% lên 1.080,15 USD mỗi ounce.

Trong khi đó, giá palladium lùi 0,1% xuống 683,8 USD mỗi ounce sau khi có thời điểm chạm đỉnh của chín tháng, ở mức 688 USD mỗi ounce hồi đầu phiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.