VASEP: Kiểm soát chặt chất lượng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc

VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ kiểm soát chất lượng cá tra nhằm giảm thiểu tác động bất lợi khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
VASEP: Kiểm soát chặt chất lượng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Trước sự phát triển khá “nóng” của hoạt động xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc trong thời gian gần đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lại tiếp tục có những khuyến cáo đến các doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ kiểm soát chất lượng hàng xuất khẩu, nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới.

VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động tuân thủ chặt chẽ về việc truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và sử dụng Chứng thư Thủy sản xuất khẩu theo quy định.

Đồng thời, doanh nghiệp cần kiểm soát tốt nhất chất lượng thủy sản xuất khẩu nói chung cũng như sang thị trường Trung Quốc nói riêng, trong đó bao gồm sản phẩm cá tra, basa xuất khẩu

[Sau khủng hoảng, ngành cá tra đang trở lại thời kỳ hưng thịnh?]

Về phía VASEP cũng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để phát hiện, xử lý những trường hợp gian lận thương mại, góp phần giữ vững uy tín hình ảnh cá tra, basa Việt Nam. Từ đó, phát triển xuất khẩu bền vững sang thị trường lớn Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu khác.

Trước đó, VASEP đã gửi một số công văn báo cáo tình hình xuất khẩu cá tra sang thị trường này với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương về việc đề nghị siết chặt hơn nữa hoạt động kiểm soát chất lượng hàng cá tra đi qua đường “ngách” này. Hiện cơ quan chức năng hai nước vẫn đang triển khai các hoạt động phối hợp trong việc kiểm tra các lô hàng xuất nhập khẩu thủy sản qua biên giới.

Theo VASEP, Trung Quốc hiện là một trong những thị trường tiêu thụ tiềm năng của ngành thủy sản Việt Nam nói chung và ngành cá tra nói riêng. Trong 5 năm gần đây, tỷ trọng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này liên tục tăng trưởng mạnh, với mức tăng trung bình 21- 31%/năm.

Riêng trong 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng đến 48,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 203 triệu USD, chiếm 25,5% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành cá tra xuất khẩu Việt Nam.

Qua trao đổi của phóng viên với một số doanh nghiệp lớn trong ngành thì các doanh nghiệp đều cho rằng, dù Trung Quốc có ngành công nghiệp nuôi cá rô phi lớn nhất thế giới hiện nay cũng như giá cá tra có “nhỉnh” hơn so với cá rô phi thì con cá tra Việt cũng khó bị thay thế ở thị trường này.

Bởi lẽ, cá tra là loại cá trung tính, không bị dị ứng như một số loài cá khác, trong khi đó người Trung Quốc lại có ấn tượng xấu về cá rô phi nên ít tiêu thụ ở nội địa.

Bên cạnh đó, Trung Quốc là một quốc gia có nền ẩm thực khá phong phú, cá tra lại là sản phẩm phù hợp để có thể biến tấu lên tới hàng trăm món ăn khác nhau và được người tiêu dùng nước này đón nhận.

Tuy vậy, xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhất là việc Trung Quốc không kiểm soát chất lượng đối với các mặt hàng cá tra nhập khẩu qua đường biên mậu, có thể gây tác động xấu đến uy tín của cả ngành hàng cá tra Việt.

Do vậy, việc các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tuân thủ chặt chẽ kiểm soát chất lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ góp phần giảm thiểu tác động bất lợi đến ngành hàng này trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.