VASEP kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ

Trong năm tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 216 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, cá ngừ chế biến đóng hộp tăng mạnh 35%; cá ngừ đông lạnh tăng 11%.
VASEP kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ ảnh 1Đánh bắt cá ngừ đại dương. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm tháng đầu năm 2017, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 2,76 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, cá ngừ là một trong những ngành hàng có mức tăng trưởng ấn tượng nhất.

Cụ thể, trong năm tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 216 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, cá ngừ chế biến đóng hộp tăng mạnh 35%; cá ngừ đông lạnh tăng 11%.

Xuất khẩu cá ngừ tiếp tục phục hồi nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường chính truyền thống như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU). Hiện các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang 79 thị trường trên thế giới, nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù có sự tăng trưởng khá ấn tượng, tuy nhiên xuất khẩu cá ngừ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do nguyên liệu phụ thuộc vào sản lượng đánh bắt, thuế nhập khẩu ở một số thị trường chủ chốt. Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ trong thời gian tới, VASEP vừa có công văn gửi Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiến nghị ba nội dung.

VASEP cho rằng nghề lưới vây của Việt Nam có ưu điểm là không sử dụng thiết bị dẫn dụ cá, đáp ứng yêu cầu đánh bắt trong tương lai, qua thương mại và nhu cầu tiêu thụ trên thế giới. Đây là một lợi thế mà cần được đẩy lên thành thế mạnh. Do vậy, VASEP đề nghị Tổng cục Thủy sản xem xét sớm công bố nghề lưới vây của Việt Nam không sử dụng thiết bị dẫn dụ để thúc đẩy nghề này phát triển trong thời gian tới.


[Bị áp thuế cao, cá ngừ Việt Nam mất lợi thế ở thị trường Nhật Bản]

Ngoài ra, VASEP cũng lưu ý theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vẫn chưa có quy định hay hướng dẫn về con số quota cụ thể về hạn ngạch cho xuất khẩu cá ngừ vào EU; cũng như chưa có quy trình cụ thể cho việc cấp hạn ngạch. Do đó, VASEP kiến nghị Tổng cục Thủy sản và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có ý kiến với Bộ Công Thương để thúc đẩy và sớm thống nhất với EU về con số và cơ chế cấp hạn ngạch.

VASEP cũng kiến nghị Tổng cục Thủy sản và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến với Bộ Công Thương xem xét ưu tiên rà soát lại việc giảm thuế nhập khẩu cá ngừ Việt Nam vào Nhật Bản trong tháng 6 và tháng 7/2017, nhằm đưa mức thuế nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ từ Việt Nam được về 0% như Thái Lan và Philippines. Nhật Bản là một trong 8 thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam.

Tuy nhiên, từ năm 2013 trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản liên tục giảm, từ vị trí thứ 3 đã tụt xuống vị trí thứ 6 trong số những thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản đang bị áp thuế cao hơn nhiều so với các nước xuất khẩu cá ngừ cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan và Philippines, nên không thể cạnh tranh được với các nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.