Vasep: Xuất khẩu thủy sản tháng Năm vẫn chạm mốc 1 tỷ USD

Theo Vasep, bước sang tháng Năm, xuất khẩu thủy sản không duy trì được mức tăng trưởng nóng nhưng vẫn chạm mốc 1 tỷ USD, cao hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vasep: Xuất khẩu thủy sản tháng Năm vẫn chạm mốc 1 tỷ USD ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) sau khi đạt kỷ lục trên 1,1 tỷ USD trong tháng Tư vừa qua với mức tăng trưởng trên 50%, bước sang tháng Năm, xuất khẩu thủy sản không duy trì được mức tăng trưởng nóng nhưng vẫn chạm mốc 1 tỷ USD, cao hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt trên 4,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước đó.

Xuất khẩu thủy sản tháng Năm vừa qua chững lại so với tháng trước đó chủ yếu do xuất khẩu tôm giảm nhiệt. Cụ thể, trong tháng Năm, xuất khẩu tôm chỉ tăng 19%, đạt 416 triệu USD so với mức tăng 47% trong tháng trước dó. Tính đến hết tháng Năm vừa qua, xuất khẩu tôm ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Theo một số doanh nghiệp, xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm nay tăng đột phá do có sẵn nguồn nguyên liệu dự trữ và tồn kho từ năm 2021, nhiều doanh nghiệp ký được hợp đồng từ cuối năm ngoái với mức giá cao trong bối cảnh dịch COVID-19 căng thẳng, tình trạng lạm phát giá trên toàn cầu cũng tác động giá tôm tăng và sự trở lại của doanh nghiệp Việt Nam với các hội chợ thủy sản quốc tế tại Mỹ, EU…

Tuy nhiên, từ đầu tháng Năm vừa qua, thời tiết có chiều hướng bất lợi cho tôm nuôi, mưa đầu mùa sớm hơn mọi năm, xuất hiện dịch bệnh ảnh hưởng đến sản lượng tôm, nguồn nguyên liệu tôm không được khả quan như 4 tháng đầu năm. Do vậy, tháng Năm vừa qua và vài tháng tới, có khả năng nguyên liệu tôm sẽ thiếu hụt hơn.

[Xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn tăng trước nhiều thách thức]

Bên cạnh đó, nhu cầu tôm của một số thị trường nhập khẩu chính có xu hướng chững lại sau khi tăng mạnh từ cuối năm 2021 tới nay. Do vậy, xuất khẩu tôm quý 2 và quý 3 được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại so với quý 1.

Xuất khẩu cá tra trong tháng Năm vừa qua cũng có xu hướng chững lại so với tháng Tư, tăng 65% đạt 245 triệu USD. Tuy nhiên, lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra vẫn giữ được mức tăng trưởng cao gần 90%, kim ngạch đạt trên 1,2 tỷ USD.

Các vấn đề lạm phát, giá thực phẩm và thủy sản cao kỷ lục trên thế giới là một lợi thế cho mặt hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay. Về thị trường, nhu cầu nhập khẩu cá tra của nhiều khu vực vẫn tiếp tục tăng, nhất là Mỹ, EU và Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cá tra cũng đang lo ngại về quy định kiểm soát COVID-19 chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Thời gian qua đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc bị trả hàng về và tạm ngừng xuất khẩu vì lý do “có dấu vết của COVID-19.”

Mặc dù một số thành phố lớn như Quảng Châu, Thượng Hải đã mở cửa trở lại, nhưng Trung Quốc vẫn kiên định với chính sách “Zero COVID” và đây sẽ là trở ngại lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc.

Cùng chung xu hướng, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng hải sản gồm mực, bạch tuộc, cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ, tuy vẫn tăng so với cùng kỳ nhưng mức tăng đều thấp hơn so với tháng Tư vừa qua.

Riêng xuất khẩu cá ngừ vẫn giữ được tăng trưởng cao 41% trong tháng 5/2022, đạt trên 93 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đạt 461 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo phân tích của các chuyên gia thị trường thủy sản, xung đột Nga-Ukraine chưa đến hồi kết và vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến các ngành kinh tế; trong đó, có khai thác thủy sản, khiến nguồn nguyên liệu khan hiếm trong khi chi phí khai thác cao. Do vậy, nguồn nguyên liệu hải sản để chế biến xuất khẩu tiếp tục là bài toán khó với các doanh nghiệp trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.