VBF: Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro

Việt Nam triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cùng với chương trình tổng thể phòng chống dịch dựa trên kinh nghiệm đã được đúc kết về phòng chống dịch.
VBF: Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro ảnh 1 Phiên cấp cao Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) tập trung thảo luận 3 chủ đề chính. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp cấp cao Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) được tổ chức sáng ngày 21/2 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự hỗ trợ và tình cảm gắn bó, tinh thần tương trợ của cộng đồng quốc tế, các tổ chức, cá nhân và các nhà đầu tư nước ngoài đã "sát cánh" cùng Việt Nam trong cuộc chiến đấu dịch COVID-19.

Nhờ vào việc Việt Nam phủ rộng tiêm vaccine tới đa số người dân và thực hiện thành công các nhiệm vụ thường xuyên và không thường xuyên; đặc biệt là  xử lý những khó khăn, tồn đọng từ trước, tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng..., tăng trưởng GDP quý 4 năm qua đã hồi phục, đưa GDP cả năm 2021 tăng 2,58%, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm…

Cùng với đó, Việt Nam bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu người; giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội…

Có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo của Đảng đã linh hoạt, thay đổi tư duy và biện pháp phòng chống dịch, chuyển hướng kịp thời trong điều kiện khó khăn; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế với tinh thần "đồng cam cộng khổ," "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ."

Theo Thủ tướng, năm 2022, Việt Nam tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong bối cảnh "bình thường mới" với nhiều yếu tố bất ổn, khó lường chưa thể dự báo hết… Việt Nam triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cùng với chương trình tổng thể phòng chống dịch dựa trên kinh nghiệm đã được đúc kết về phòng chống dịch.

Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng (khoảng trên 4% GDP) sẽ được triển khai và tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính như mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội, việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vào các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan toả lớn; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Chương trình xác định yếu tố con người, tài nguyên thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa là nguồn lực cơ bản, chiến lược, lâu dài có ý nghĩa quyết định và nguồn lực bên ngoài là sự hỗ trợ về thể chế, tài chính, công nghệ, quản trị và trình độ nguồn nhân lực cũng rất quan trọng và mang tính đột phá. Việt Nam đang tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Theo đó, sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, tập trung cho hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu...

Việt Nam cũng sẽ chuyển mạnh từ việc trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; tiếp tục xây dựng, phát triển nền tảng văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đẩy mạnh phòng chống tiêu cực tham nhũng, làm trong sạch bộ máy, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số với những trụ cột là xây dựng hạ tầng số, Chính phủ số, công dân số, phát triển kinh tế số và đẩy mạnh chuyển đổi xanh, trên tinh thần không đánh đổi môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trường kinh tế đơn thuần.

Trong điều kiện một nước đang phát triển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, còn rất nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam kêu gọi bảo đảm công bằng, công lý trong quá trình chuyển đổi xanh, mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế về hoàn thiện thể chế, đa dạng hóa nguồn vốn, công nghệ xanh, công nghệ sạch, quản trị và nguồn nhân lực.

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên tinh thần "đồng cam cộng khổ", "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ."

[Thủ tướng: Chính phủ và doanh nghiệp đồng cam cộng khổ]

Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, phản hồi và xử lý các ý kiến, kiến nghị xác đáng tại Diễn đàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong khâu thực thi, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật, hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, thúc đẩy phát triển và phục hồi chuỗi sản xuất.

Bày tỏ những lạc quan về nền kinh tế trong năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, với nhiều cố găng, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Trong năm 2021, đã có gần 160 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt trên 2,89 triệu tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2020.

Tuy đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế trong nước và trên thế giới.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi với tổng vốn đăng ký đạt trên 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào kết quả phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam.

VBF: Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Phiên cấp cao Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

AmCham - Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ đại diện cho hơn 650 doanh nghiệp và 2.500 cá nhân đại diện của doanh nghiệp trên khắp Việt Nam cùng các công ty thành viên cũng bày tỏ sự lạc quan về triển vọng mở cửa trở lại và phục hồi, phát triển kinh tế của Việt Nam.

Ông John Rockhold, Chủ tịch AmCham cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi và để duy trì và phát triển chuỗi cung ứng sản xuất là môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và hợp lý hóa, coi trọng sự đổi mới - không chỉ để thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì và tăng trưởng đầu tư đã có.

AmCham tiếp tục ủng hộ việc tăng cường quan hệ đối tác thương mại và đầu tư Hoa Kỳ - Việt Nam trong chuyển đổi số để giảm đáng kể chi phí, cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho nhiều đối tượng người tiêu dùng và doanh nghiệp hơn, đồng thời tăng khả năng tiếp cận các thị trường mới hơn và lớn hơn.

Theo Chủ tịch AmCham, Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về thương mại điện tử, công nghệ tài chính Fintech, công nghệ giáo dục Edtech và nền kinh tế sáng tạo, những thay đổi về hành vi trong thời kỳ đại dịch đã thúc đẩy sự tăng trưởng đó. Để phát huy hết tiềm năng, Việt Nam cần đảm bảo một môi trường pháp lý thuận lợi.

“Chúng tôi kỳ vọng về một môi trường pháp lý mở và tương thích cho phép truy cập thông tin, quyền riêng tư dữ liệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, an ninh mạng và thương mại dịch vụ kỹ thuật số tự do, công bằng, có đi có lại và phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu. Các doanh nghiệp thành viên AmCham mong muốn hợp tác với các công ty Việt Nam để hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số của họ và thúc đẩy thế hệ khởi nghiệp công nghệ mới nhằm hỗ trợ mục tiêu của Việt Nam phát triển nền kinh tế số chiếm tỷ lệ 25% GDP vào năm 2025,” ông John Rockhold nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.