Theo phản ánh từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), công cuộc chống tham nhũng của Chính phủ đã và đang ngày càng phát huy hiệu quả.
Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức theo Báo cáo điều tra Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020 đã giảm xuống mức 44,9% so với mức 66% của năm 2016 - mức giảm thấp nhất kể từ năm 2006 tới nay.
Quy mô các khoản chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp cũng giảm đáng kể theo thời gian khi chỉ có 5,4% doanh nghiệp phản ánh phải dành hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức; trong khi tỷ lệ này là 9,1% vào năm 2006.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết thêm, gánh nặng chi phí không chính thức đã và đang giảm dần, khi có 84,4% doanh nghiệp cho biết các khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được.
Tỷ lệ này tăng đáng kể so với mức 79,2% doanh nghiệp phản ánh của năm 2016.
Theo phản ánh của đa số các doanh nghiệp, phần lớn các khoản chi không chính thức thường đều phải trả cho việc thực hiện các thủ tục đất đai, các cuộc thanh, kiểm tra, xuất nhập khẩu hay việc chi trả hoa hồng để giành cơ hội thắng thầu.
[PCI 2020: Gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục đà giảm]
Báo cáo cũng cho biết, hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp cũng giảm nhẹ từ mức 60,8% năm 2017 xuống chỉ còn 54,1% trong năm 2020.
Riêng đối với cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức trong khi thực hiện các thủ tục đất đai, các cuộc thanh kiểm tra, thủ tục xuất nhập khẩu cũng đều giảm.
Nếu như năm 2016-2017 có hơn 2% doanh nghiệp FDI cho biết phải dành từ 10% doanh thu trở lên để trả cho các khoản chi không chính thức thì tỷ lệ này đã giảm còn 1,2% trong năm 2020.
Số cuộc thanh tra, kiểm tra bình quân năm của các doanh nghiệp FDI cũng giảm dần qua thời gian, từ mức 2,85 cuộc/doanh nghiệp năm 2016 xuống còn 2,1 cuộc/doanh nghiệp vào năm 2020...
Tuy nhiên, xét ở góc độ nào đó, sự tồn tại gánh nặng chi phí không chỉnh thức dù đã giảm nhưng vẫn phải nỗ lực nhiều hơn và đẩy lùi triệt để.
Dù doanh nghiệp mới thành lập hay doanh nghiệp đã đi vào hoạt động lâu, gánh nặng chi phí không chính thức cũng không có sự khác biệt nhiều.
Theo ông Tuấn, 39% doanh nghiệp có quy mô vốn trên 200 tỷ đồng có chi trả chi phí không chính thức quanh mức 1% doanh thu thì nếu quy đổi tương ứng, quy mô khoản chi chắc chắn không hề nhỏ.
Chính yếu tố này cộng thêm không ít điểm trừ khác còn tồn tại về môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang khiến cho niềm tin kinh doanh có xu hướng giảm điểm.
Nhiệt kế doanh nghiệp năm 2020 ghi nhận, 41% doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, giảm đáng kể so với mức 51% của năm 2019. Đây là mức thấp thứ 3 kể từ năm 2006 trở lại đây.
Có 13% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô hoặc thậm chí là đóng cửa - mức cao nhất trong 15 năm VCCI tiến hành điều tra PCI của toàn bộ các tỉnh, thành phố trên cả nước./.