VCCI hoàn tất việc ký cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi

Chiều 22/9, VCCI và 21 tỉnh, thành phố còn lại đã ký cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
VCCI hoàn tất việc ký cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi ảnh 1Lễ ký kết giữa VCCI và các địa phương. (Nguồn: VCCI)

Lễ ký cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và 21 tỉnh, thành phố đã diễn ra chiều 22/9 dưới sự chứng kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp.

Cam kết được ký giữa VCCI và lãnh đạo Ủy ban Nhân dân 21 tỉnh, thành phố tập trung vào triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với nhiều nội dung cụ thể về đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát triển doanh nghiệp, tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền các cấp, tạo thuận lợi để doanh nghiệp có thể tham gia góp ý chính sách...

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, từ khi Nghị quyết 35 được ban hành là hành trình quyết liệt để cải thiện môi trường kinh doanh. Cách làm mới của Chính phủ đang hâm nóng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp.

Nghị quyết về khởi nghiệp bước đầu thành công mà bước quan trọng nhất là lần đầu tiên vượt ngưỡng có 100.000 doanh nghiệp khởi nghiệp trong 1 năm. Với tốc độ này, mỗi năm sẽ có từ 150.000-200.000 doanh nghiệp thành lập mới và mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là trong tầm tay.

Khẳng định Chính phủ chung tay cùng các địa phương cải cách, chuyển ngọn lửa cải cách từ Chính phủ về địa phương, tạo môi trường khởi nghiệp tại cơ sở, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị địa phương thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, bởi chỉ khi các nhà kinh doanh sát cánh với chính quyền, phong trào khởi nghiệp mới thành công. Ông cũng khẳng định VCCI sẽ sát cánh cùng các địa phương cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình tái cấu trúc nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện tốt vai trò xã hội.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết với 21 tỉnh, thành ký cam kết, đến thời điểm này, toàn bộ 63 địa phương đã hoàn tất việc ký cam kết với VCCI theo đúng tinh thần của Nghị quyết 35. Quyết tâm của Chính phủ là rất rõ, cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhìn vào động thái của lãnh đạo các tỉnh để xem động thái ứng xử như thế nào, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Ký kết là một vấn đề nhưng quan trọng là việc tổ chức thực hiện chương trình hành động để cam kết trở thành hiện thực.

Phó Thủ tướng nêu rõ 30 năm đổi mới, doanh nghiệp luôn là lực lượng xung kích đi đầu. Đảng, Nhà nước luôn coi trọng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng nhấn mạnh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp chính là sự cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Luật đầu tư (sửa đổi), Luật doanh nghiệp (sửa đổi) và nhiều luật khác mới được ban hành đều trên tinh thần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Từ khi có Nghị quyết 35, mỗi tháng cả nước có trên 9.000 doanh nghiệp thành lập mới. Riêng thành phố Hà Nội, trong 8 tháng năm 2016 đã có 15.530 doanh nghiệp ra đời, với tốc độ này, đến năm 2020, Hà Nội có ít nhất 400.000 doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng chỉ đạo VCCI thống kê cụ thể số lượng doanh nghiệp hoạt động đến 31/12/2015, số doanh nghiệp tăng thêm hiện nay và cam kết đã ký của các tỉnh để xem chỉ tiêu phấn đấu của các tỉnh cũng như của cả nước. Phó Thủ tướng nêu rõ đăng ký mới không phải là ra đời để lấy thành tích mà là có hoạt động được không, và hoạt động phải có hiệu quả. Có doanh nghiệp sẽ bị đào thải nhưng số bị đào thải ít đi, số hoạt động hiệu quả ngày càng nhiều hơn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phối hợp với VCCI xây dựng bộ chỉ số hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; trong đó có chỉ số quan trọng là chỉ số đóng góp của doanh nghiệp, gồm lợi nhuận của doanh nghiệp tạo ra trên địa bàn cộng với thu nhập của người lao động. Phó Thủ tướng cho biết sẽ công bố chỉ số này hàng năm để kiểm tra, giám sát các tỉnh thực hiện như thế nào.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ Chính phủ đã nỗ lực hết sức để cụ thể hóa chủ trương của Đảng. Hàng năm Chính phủ đều có Nghị quyết 19 về đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh. Đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.”

Chính phủ đang tích cực chuẩn bị trình Quốc hội một luật sửa 15 luật liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh. Chính phủ cũng đang xây dựng dự án luật hỗ trợ dn nhỏ và vừa với ba thành tố, đó là tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp, tác động để chuyển các hộ kinh doanh hiện nay thành doanh nghiệp.

Trước hết, thực hiện tốt Nghị quyết 19 để liên tục đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo cảm hứng cho doanh nghiệp tham gia thị trường, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương làm tốt công tác thu hút kêu gọi đầu tư nước ngoài, kể cả các tập đoàn lớn và doanh nghiệp nhỏ, tạo xung lực lớn cho phát triển; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bám trụ và phát triển hiệu quả hơn; thống kê số hộ kinh doanh hiện nay trên địa bàn để hỗ trợ, khuyến khích họ chuyển lên đăng ký hoạt động theo Luật doanh nghiệp; chú trọng phong trào khởi nghiệp. Hiện môi trường để khởi nghiệp là rất lớn và xu hướng ngày càng tốt lên. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đang phát triển nhanh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương tăng cường tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; sẽ thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm ở trung ương và địa phương để tài trợ vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đại diện các tỉnh và các hiệp hội mong muốn với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, sự tăng cường kỷ cương, kỷ luật của các cơ quan hành chính ở các địa phương, sẽ tạo động lực mới cho doanh nghiệp phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.