Dự thảo Luật lao động sửa đổi đã đưa ra đề xuất bỏ quy định "Lao động nữ nuôi con dưới một tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động” của Điều 155 về bảo vệ thai sản đối với lao động nữ trong Bộ luật Lao động hiện hành. Quy định nghỉ 60 phút được coi là một chính sách nhân văn nên việc đề xuất bỏ đi chính sách này đang gặp phải nhiều ý kiến phản đối.
60 phút quý giá của người mẹ
Quy định lao động nữ nuôi con dưới một tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút được khác doanh nghiệp tuân thủ khá đầy đủ. Đây là cũng là chính sách giúp đỡ rất nhiều chị em phụ nữ trong quá trình nuôi con nhỏ để họ có thêm thời gian chăm sóc con trong những tháng đầu đời.
Chị Nguyễn Thu Trang, nhân viên một công ty chuyên về công nghệ kỹ thuật số đang nuôi con nhỏ thường dành 60 phút nghỉ vào buổi trưa để tranh thủ về cho con bú tâm sự: “Công ty cho tôi tự lựa chọn thời gian nghỉ 60 phút linh hoạt, có thể đi làm muộn 30 phút, về sớm 30 phút hoặc dồn 60 phút vào thời gian nghỉ trưa. Tôi lựa chọn nghỉ trưa để tranh thủ về cho con bú, chuẩn bị đồ ăn dặm cho con. Mặc dù thời gian nghỉ thêm 60 phút cũng chỉ đủ chăm con chứ chưa kịp nghỉ ngơi nhưng đây là những thời gian quý giá đối với tôi và con, cho đến khi con một tuổi cứng cáp hơn thì tôi cũng yên tâm đi làm cả ngày.”
Việc đề xuất bỏ quy định nghỉ 60 phút đối với lao động nữ nuôi con dưới 1 tuổi là của các doanh nghiệp, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng gặp khó khăn với chính sách này, thậm chí nhiều doanh nghiệp ủng hộ quy định này.
Đại diện một doanh nghiệp sử dụng chủ yếu là lao động nữ, chị Nguyễn Minh Thu, Giám đốc nhân sự, Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ thương mại và thẩm mỹ Green Tara cho rằng nên giữ nguyên quy định ưu tiên nghỉ 60 phút cho phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi vì nó mang đậm tính nhân văn của xã hội.
“Nếu cắt đi thời gian nghỉ này thì lợi ích của đứa bé bị ảnh hưởng vì tuổi nhũ nhi rất cần bú sữa mẹ và gần gũi mẹ. Xã hội của mình chú trọng đến tình cảm gia đình, sự gắn kết của đứa trẻ với người mẹ cũng chính từ những sự chăm sóc đó mà ra. Thực sự giai đoạn này là giai đoạn cần mẹ chăm sóc, vì vậy có thêm một tiếng vẫn hơn. Nhất là trong khi trẻ em Việt nam còn thấp vòi so với trẻ em nước ngoài, giai đoạn nhũ nhi cần chăm sóc cho các cháu đủ dinh dưỡng, người mẹ cần có thêm thời gian cho con ăn dặm,” chị Nguyễn Minh Thu nói.
“Gánh nặng” đặt lên vai ai?
Ở công ty của chị Thu, lao động nữ có con dưới 1 tuổi được phép đi làm muộn 30 phút và về sớm 30 phút và không quá ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Thế nhưng chị Thu cũng cho rằng đối với những doanh nghiệp thương mại thì sắp xếp công việc đối với lao động nữ dễ hơn là các doanh nghiệp sản xuất. Thực tế, việc đề xuất bỏ đi chính sách này đến từ khối doanh nghiệp sản xuất, sử dụng đông lao động nữ.
Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, các doanh nghiệp kiến nghị nên bỏ quy định thời gian nghỉ với lao động nữ bởi việc sản xuất gặp khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao. Nếu có quá nhiều quyền lợi cho lao động nữ khi thai sản thì doanh nghiệp khó bố trí kế hoạch sản xuất, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ như: Dệt may, da giầy...
Trước câu hỏi vậy thì lựa chọn việc điều chỉnh thời gian nghỉ này sẽ vì người lao động hay vì doanh nghiệp, ông Hà Đình Bốn cho rằng nên giữ quy định nghỉ 60 phút như hiện nay bởi đây là quy định nhân văn, lao động nữ còn làm vợ, làm mẹ, chăm sóc gia đình.
Việc bỏ hay giữ quy định thì phải chờ tập hợp ý kiến, thời gian tới trình Quốc hội cho ý kiến có thông qua hay không. Đối với những quy định đang thực hiện tốt, đảm bảo quyền lợi của người lao động thì Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ xem xét giữ nguyên.
Theo ông Hà Đình Bốn, chế độ thai sản 6 tháng cho lao động nữ của Việt Nam đang ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực. Bên cạnh đó, luật quy định chủ doanh nghiệp không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa nếu người đó mang thai 7 tháng, hoặc từ 6 tháng trở lên mà làm việc ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Người chủ không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với lao động nữ khi họ kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
“Các quy định nên hài hòa lợi ích chủ doanh nghiệp và người lao động. Nếu ưu tiên quá thì cũng có thể trở thành rào cản cho lao động nữ. Bởi khi gánh chi phí sản xuất, tiền đóng bảo hiểm xã hội cao, doanh nghiệp sẽ tìm cách cắt giảm nhân công, không tuyển nữ,” ông Hà Đình Bốn nói.
Một chính sách nhân văn nhưng cũng đặt lên vai của doanh nghiệp trách nhiệm xã hội nặng nề. Nhiều doanh nghiệp để tiết kiệm chi phí, họ đề nghị người lao động nữ cam kết không sinh con trong 2-3 năm, họ lựa chọn cho lao động nữ nghỉ việc trước tiên khi công ty thu nhỏ sản xuất kinh doanh...
Bản thân người nữ công nhân họ đã chịu rất nhiều áp lực nuôi con do lương thấp, thiếu nhà ở, trường mần non... Những chính sách để tốt cho phụ nữ, nhưng cũng có thể càng làm khó phụ nữ hơn, đặc biệt là những phụ nữ đã rất vất vả mới có được một công việc.
Đã có ý kiến về việc cần đẩy mạnh thực hiện những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ, để trách nhiệm xã hội không đè nặng lên doanh nghiệp, để doanh nghiệp không tìm cách dồn gánh nặng lên người lao động và thực hiện trách nhiệm xã hội của mình với một tâm lý thoải mái./.