Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ là một trong 62 di tích danh thắng toàn miền Bắc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng đặc cách cấp quốc gia đợt 1 vào năm 1962.
Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ.
Tháng 12/2015 Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký quyết định về việc xếp hạng bổ sung thêm 23 điểm di tích vào Hồ sơ di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ, nâng tổng số điểm di tích thành phần của Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ lên 45 điểm.
Sau 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi một di tích thành phần trong Di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử, chứa đựng những thông điệp quý giá là bằng chứng về chiến thắng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp; thể hiện tinh thần, ý chí chiến đấu anh dũng, vượt qua gian khổ của thế hệ cha anh để viết nên trang sử hào hùng của dân tộc.
Di tích đèo Pha Đin là một địa danh như thế.
Trước và trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đèo Pha Đin là tuyến đường huyết mạch của Quân đội ta nối hậu phương rộng lớn ra chiến trường lòng chảo Mường Thanh (tỉnh Điện Biên).
Muốn vào Điện Biên Phủ thì bắt buộc phải qua đèo Pha Đin. Với vị trí trọng yếu đó, để cắt đứt mọi bước tiến của quân đội, lực lượng dân công hỏa tuyến, con đường tiếp lương tải đạn của quân và dân ta ra mặt trận, thực dân Pháp đã cho máy bay tuần tiễu khu vực đèo Pha Đin hàng chục lần mỗi ngày, điên cuồng thả hàng trăm quả bom các loại (bom phá, bom nổ chậm, bom bi…) xuống đèo Pha Đin.
Trở thành một trọng điểm bắn phá ác liệt của địch, Đèo Pha Đin được ví như “túi bom” khi có ngày địch ném xuống đây hơn 100 quả bom các loại, trung bình mỗi ngày Pha Đin hứng chịu 16 tấn bom đạn.
Cùng với ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin là “tọa độ” giao thông trọng yếu nhất mà lực lượng không quân Pháp liên tục bắn phá, nhằm ngăn chặn nguồn tiếp tế sức người, sức của cho mặt trận Điện Biên Phủ.
[Chiến thắng Điện Biên Phủ: Chiến hào - Bàn đạp tiến công thuận lợi]
Xét về phương vị địa lý, ngã ba Cò Nòi có vị trí vô cùng quan trọng khi nối các vùng đồng bằng Bắc Bộ, Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 với chiến trường Điện Biên Phủ nhờ mạng lưới vận tải: Từ Việt Bắc xuống, qua Ba Khe-Cò Nòi-Sơn La-Điện Biên; Từ Liên khu 4-Nghệ An-Thanh Hóa-Mộc Châu-Cò Nòi-Sơn La-Điện Biên; Từ Liên khu 3-Nho Quan-Hòa Bình-Mộc Châu-Cò Nòi-Sơn La-Điện Biên.
Tuy nhiên, con đường tiếp vận vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm của quân và dân ta phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, đảm bảo chi viện cho chiến dịch kịp thời cho đến ngày toàn thắng đều phải vượt đèo Pha Đin dài 32km, sau đó tập kết tại Trạm hậu cần Tuần Giáo (thị trấn Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên ngày nay), rồi đến Trạm hậu cần hỏa tuyến Nà Tấu (km62, quốc lộ 279, nay thuộc địa bàn bản Tẩu Pung, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) trước khi vào chiến trường Điện Biên Phủ.
Hoàn thành Chiến dịch Điện Biên Phủ, để đảm bảo thông xe, thông tuyến, phục vụ kịp thời cho việc chuyển quân, chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm ra tiền tuyến đã có hàng ngàn thanh niên xung phong của ta ngã xuống tại con đèo huyền thoại này.
Ông Nguyễn Văn Thái (tổ dân phố 13, phường Tân Bình, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), là cựu thanh niên xung phong kể lại: Đèo Pha Đin trên quốc lộ 6 là điểm giao thông trọng yếu, bởi vượt qua cung đèo sẽ đến Trạm hậu cần Tuần Giáo của quân đội ta, cách mặt trận chiến dịch Điện Biên Phủ hơn 80km nữa.
Với đặc thù đường đèo dốc, lắm vực thẳm nên khi địch đánh một điểm trên đèo thì có thể tàn phá mấy điểm liền. Vì vậy nên quân địch ngày đêm “trút mưa bom” xuống đây.
Phía ta cũng dốc sức bảo vệ nghiêm ngặt đèo Pha Đin, mệnh lệnh của cấp trên, của Trung ương yêu cầu là bằng mọi giá phải đảm bảo giao thông thông suốt trên tuyến đường phục vụ chiến dịch này.
Dưới bom đạn của địch, bằng lòng quyết tâm và tinh thần quả cảm, bộ đội, dân công và thanh niên xung phong của ta ngày đêm vẫn bám trụ, vừa phá đá mở đường, vừa tháo gỡ bom mìn, giữ vững mạch máu giao thông, đảm bảo tuyến đường thông suốt.
Khi có báo động máy bay địch thì anh em lại tản ra, tìm chỗ trú ẩn, khi máy bay địch ngừng ném bom thì chúng tôi lại nhanh chóng ra đường, đào, cuốc đất đá, lát gỗ, đổ đất lấp hố bom...
Với tinh thần, ý chí quyết tâm vì mục tiêu “tất cả cho tiền tuyến” của bộ đội công binh, dân công, thanh niên xung phong trong việc “phá đá mở đường”, quốc lộ 6 và đèo Pha Đin luôn được thông suốt, đảm bảo cho các đoàn xe đạp thồ, pháo binh, phương tiện vận chuyển vũ khí, đạn dược, xăng dầu, lương thực của ta tiếp tế cho bộ đội chủ lực đánh thắng tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Đèo Pha Đin hôm nay đã đổi thay nhiều nhưng dấu tích của tinh thần, ý chí của bộ đội công binh, dân công, thanh niên xung phong vẫn còn vẹn nguyên trên cung đường lịch sử này.
Pha Đin, đọc chệch đi từ tên gốc “Phạ Đin”, theo thổ ngữ của người Thái Đen là nơi “trời đất gặp nhau,” nhưng Pha Đin còn mang nghĩa “vách đất dựng đứng và khó trèo.”
Cả con đèo dài 32km (từ km366 đến km398, quốc lộ 6 cũ), bao trọn nửa phía Tây con đèo (dài 12km) là địa phận huyện Tuần Giáo (Điện Biên), nửa còn lại phía Đông (dài 20km) thuộc địa huyện Thuận Châu (Sơn La); đỉnh đèo - nơi phân định ranh giới hai tỉnh Sơn La và Điện Biên cao 1.648m so với mực nước biển.
Khi có đường mới (quốc lộ 279) chạy qua đèo (từ km385 đến hết Tây đèo- km398), thì 13km tuyến đường cũ (quốc lộ 6) thưa vắng các loại phương tiện chạy qua trong hành trình vượt đèo Pha Đin lên Tây Bắc và ngược lại.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với đường 42 qua cửa khẩu Tây Trang sang Lào, đường 4D đi thị xã Lai Châu, qua Phong Thổ, sang Lào Cai thì đèo Pha Đin với tuyến quốc lộ 6 là con đường huyết mạch để tiếp lương tải đạn ra tiền tuyến, giải phóng Điện Biên.
Sau 65 năm, đèo Pha Đin và quốc lộ 6 trở thành con đường thông thương kinh tế cho tỉnh Điện Biên với miền xuôi, cho các tỉnh Tây Bắc với các tỉnh Bắc Lào qua cửa khẩu Quốc tế Tây Trang bằng con đường xuyên Á, quốc lộ 279.
Đèo Pha Đin nay không chỉ đẹp ở cảnh thiên nhiên núi non hùng vĩ, trùng điệp được xếp vào “tứ đại đèo” của Việt Nam, mà nhịp sống của người Mông trên đỉnh đèo này đã sôi động, đời sống kinh tế của người dân cộng đồng dân tộc Mông nơi đây ấm no hơn do chính quyền địa phương và người dân đã biết lựa chọn và phát triển những mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, phát huy được lợi thế, tiềm năng của địa bàn.
Ông Mùa A Dề, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, cho biết toàn xã có hơn 500 hộ với hơn 2.100 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Mông.
Những năm qua, từ kinh nghiệm thực tế, người dân ở đây đã biết khoanh vùng quy hoạch, mở rộng trồng cà phê, sa nhân, táo mèo ở những vùng có độ cao khác nhau giúp cây trồng thích nghi, phát triển tốt.
Ở những vùng có độ cao dưới 700 mét, cây càphê được lựa chọn để trồng; ở độ cao từ 800-1.000m, người dân trồng cây táo mèo và độ cao trên 1.000m lại trồng cây sa nhân.
Hiện tại, cả xã có hơn 210ha cây càphê, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 100ha (năng suất 70tạ/ha), hơn 140 ha cây táo mèo (sơn tra) và 120ha cây sa nhân (năng suất thu hoạch 12taj/ha); những cây công nghiệp chủ lực nàyđã mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ đối với người dân nơi đây, nhiều hộ thoát nghèo, trở nên khấm khá.
Chị Mùa Thị Lầu, bản Hua Sa B, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, tâm sự trước đây người dân trong bản quen trồng ngô nhưng cây ngô không cho năng suất cao vì khí hậu khắc nghiệt, chuyển sang trồng cây càphê thì cho thu nhập cao và ổn định hơn.
Nhờ có hơn 3ha cây càphê từ hơn 10 năm qua, mỗi năm trừ chi phí gia đình cũng thu về từ 45 đến 50 triệu đồng.
Từ một xã nghèo đói, kinh tế phụ thuộc vào cây ngô trên nương, người dân ở Tỏa Tình đã không còn thiếu ăn trong những mùa giáp khi đã nâng tổng diện tích gieo trồng cây lương thực toàn xã lên gần 530ha với sản lượng lương thực đạt hơn 1.330 tấn; chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn đã chuyển sang hướng quy mô chuồng trại với tổng số gia súc (trâu, bò, dê, lợn) gần 2.300 con, hơn 7.600 con gia cầm.
Ở địa bàn đất dốc, hiếm nước nhưng toàn xã đã đào ao, ngăn suối tạo được 24ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản.
Khi kinh tế phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương càng được nâng lên, hiện cả bảy bản của xã đã có sân bóng chuyền, có các Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, Câu lạc bộ phụ nữ 4 phẩm chất, Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững…
Trong những năm qua, các chương trình, dự án như Dự án nuôi bò thuộc chương trình giảm nghèo bền vững; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, thuộc chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã, thôn đặc biệt khó khăn… được triển khai tại các bản cũng đã tạo nên những tiền đề, động lực giúp người dân trên địa bàn phát triển sản xuất, kinh tế, tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lương cuộc sống./.