Sau hơn ba tháng hoạt động trên quỹ đạo, PicoDragon-vệ tinh siêu nhỏ đầu tiên của Việt Nam do các nhà khoa học trẻ thuộc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chế tạo đã hoàn thành nhiệm vụ và bốc cháy khi đi vào bầu khí quyển.
Việc phóng thành công PicoDragon đem lại ý nghĩa rất tích cực trong việc khích lệ các nhà khoa học trẻ học tập, nghiên cứu và làm chủ công nghệ vệ tinh.
Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi riêng với Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc VNSC về vấn đề này.
- Thưa Phó giáo sư Phạm Anh Tuấn, xin ông cho biết quá trình hoạt động của vệ tinh “made in Việt Nam” đầu tiên kể từ khi VNSC nhận được tín hiệu đầu tiên của PicoDragon vào ngày 19/11/2013?
PGS.TS Phạm Anh Tuấn: Nhìn chung, thời gian trong vũ trụ, vệ tinh PicoDragon đã hoạt động tương đối ổn định và liên lạc với các trạm mặt đất trên thế giới.
Ban đầu, các phiên liên lạc tập trung vào việc thu nhận tín hiệu quảng bá, bản tin “PicoDragon VietNam” nhằm xác định vệ tinh có đang hoạt động hay không. Bởi lẽ, ở một số thời điểm, các trạm mặt đất không bắt được tín hiệu từ PicoDragon cho nên việc xác định vệ tinh có hoạt động hay không là một yêu cầu hết sức quan trọng.
Ở giai đoạn sau (từ tháng 1/2014) VNSC đã phối hợp với một số trạm mặt đất khác ở Vương quốc Anh, Nhật Bản, Achentina trong việc liên lạc thu nhận dữ liệu, trong đó tập trung vào dữ liệu thông số làm việc của vệ tinh.
Thông qua việc liên lạc với PicoDragon, VNSC đã bước đầu xây dựng được mối quan hệ với mạng lưới trạm vô tuyến nghiệp dư trên thế giới, điều này rất có ích đối với các dự án phát triển vệ tinh từ lớp Micro trở xuống của Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.
- Nguồn tin của phóng viên Vietnam+ cho hay, PicoDracon đã kết thúc quá trình hoạt động trên vũ trụ, thưa ông?
PGS.TS Phạm Anh Tuấn: Đêm 1/3 vừa rồi, thông tin từ quốc tế cho biết PicoDragon đã đi vào bầu khí quyển và bốc cháy. Điều này cũng phù hợp với kết quả mô phỏng và phân tích quỹ đạo chuyển động của vệ tinh trong mấy ngày cuối của VNSC.
Thời điểm rơi nằm trong khoảng thời gian từ đêm 28/2 đến sáng 1/3. Như vậy, PicoDragon hoạt động được ở trên quỹ đạo được hơn 3 tháng (19/11/2013 – 1/3/2014).
- Những tín hiệu thu được từ Pico Dragon có tốt không và chủ yếu được VNSC sử dụng vào mục đích gì?
PGS.TS Phạm Anh Tuấn: Do thời gian hoạt động của vệ tinh là rất ngắn nên VNSC đã chủ động phối hợp với các trạm ưu tiên thu nhận các dữ liệu thông số vệ tinh và môi trường. Các thông số này chủ yếu là các dữ liệu đo nhiệt độ môi trường và điện áp của các hệ thống trên vệ tinh cũng như các dữ liệu đo về tốc độ tự quay của vệ tinh.
Thực tế, PicoDragon là vệ tinh siêu nhỏ phục vụ đào tạo là chính. Việc so sánh với thông số vệ tinh nước ngoài cùng loại là không khả thi do mục tiêu hoạt động, cấu tạo vệ tinh không giống nhau.
Qua việc phóng thành công PicoDragon, chúng ta đã thu được một số thành quả đáng ghi nhận. Đó là việc xây dựng và làm chủ quy trình thiết kế, chế tạo, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ, tạo tiền đề để phát triển các thế hệ vệ tinh tiếp theo.
Ngoài ra, VNSC đã bước đầu đào tạo và xây dựng đội ngũ các nghiên cứu viên, kỹ sư trẻ, học tập được kinh nghiệm phối hợp, làm việc trong một đội ngũ kéo dài suốt quá trình thực hiện dự án. Điều này góp phần khích lệ, động viên tinh thần tự tin trong học tập, nghiên cứu công nghệ vệ tinh với các cán bộ, kỹ sư trẻ của VNSC cũng như trong toàn xã hội.
Bên cạnh đó, việc thu thập một số thông tin về thực trạng hoạt động của vệ tinh trên quỹ đạo cũng sẽ là dữ liệu quí báu giúp VNSC trong các dự án phát triển vệ tinh lớp Micro trở xuống sau này.
Có thể nói rằng, PicoDragon đánh dấu sự thành công của bước đi đầu tiên trong lộ trình phát triển vệ tinh của VNSC, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, bước đầu khẳng định tính đúng đắn trong lộ trình phát triển vệ tinh trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
- Trên cơ sở thành công ban đầu với PicoDragon, đến bao giờ thì VNSC phóng vệ tinh tiếp theo?
PGS.TS Phạm Anh Tuấn:Sau PicoDragon, VNSC sẽ phát triển các vệ tinh lớn hơn cỡ Nano (khoảng 10kg) dự định hoàn thành vào năm 2016 và vệ tinh cỡ Micro (khoảng 50kg) vào năm 2017.
Trong thời gian này, VNSC cũng quản lý, triển khai dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam với mục tiêu là xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực cho công nghệ vệ tinh tiến tới năm 2020 sẽ lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm thành công vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên tại Việt Nam có trọng lượng khoảng 500kg.
- Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư!
Pico Dragon có kích thước 10 x 10 x 11,35 cm, khối lượng 1 kg, là sản phẩm được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư, nghiên cứu viên trẻ của VNSC.
Toàn bộ các bước trong quá trình phát triển vệ tinh từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp đến thử nghiệm đều được thực hiện tại Việt Nam. Việc thử nghiệm rung động, nhiệt tại phòng thí nghiệm của Giáo sư S.Nakasuka, Đại học Tokyo và một số thử nghiệm khác tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản - JAXA, Công ty Hàng không vũ trụ IHI (Nhật Bản).