Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế trưởng, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, mức tăng trưởng kinh tế 6,79% trong quý 1 đang thấp hơn so thời điểm này năm trước (7,45%). Bên cạnh đó, tốc độ tăng của một số ngành có dấu hiệu chậm lại, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (PMI) xuống mức thấp, sự sụt giảm về số lượng việc làm và hàng tồn kho tăng khiến mức độ lạc quan của nhà sản xuất giảm đáng kể.
Tăng trưởng có dấu hiệu chững lại
Cụ thể, báo cáo từ VEPR chỉ ra, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2% và chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8% nhưng các mức trên đều thấp hơn so với mức tăng của quý 1/2018, bên cạnh đó chỉ số tồn kho bình quân trong quý là 15,6%.
“Quý 1, các chỉ số sản xuất, tiêu thụ đều có dấu hiệu giảm đáng kể trong bối cảnh chỉ số tồn kho tăng cao. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ đình trệ sản xuất tạm thời,” tiến sỹ Phạm Thế Anh cảnh báo.
Nhìn thẳng vào vấn đề, ông Thế Anh phân tích, cơ cấu tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài trực tiếp - FDI và xuất khẩu của khu vực này, trong khi hoạt động cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp Nhà nước vẫn dậm chân tại chỗ.
[Cơ hội cho doanh nghiệp Việt đưa sản phẩm xuất khẩu lên Amazon]
Công bố từ Tổng cục thống kê cho thấy, cả nước có 43.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý 1. Song bên cạnh đó, nền kinh tế đã chứng kiến sự đào thải khốc nghiệt, với những con số “biết nói” của 14.800 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 15.300 doanh nghiệp chờ giải thể và 4.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
“Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam còn khá yếu và môi trường kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện,” ông Thế Anh kiến nghị.
Cán cân thương mại bất ổn
Nhóm tác giả thực hiện báo cáo nghi ngại có sự bất ổn khi mà cán cân thương mại hàng hóa trong tháng Một xuất siêu 816 triệu USD, sang tháng Hai quay lại nhập siêu 768 triệu USD, nhưng đến tháng Ba ước tính xuất siêu 600 triệu USD.
Như vậy, tính chung ba tháng đầu năm, cả nước vẫn đạt xuất siêu 536 triệu USD, tuy nhiên điều này có được là nhờ vào khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu đến 7,57 tỷ USD, trong khi khu vực kinh tế trong nước vẫn ghi nhận mức nhập siêu đến 7,04 tỷ USD.
Đối với thị trường xuất khẩu của Việt Nam, hiện Mỹ đang đứng đầu với 13 tỷ USD, EU đạt 10,2 tỷ USD và Trung Quốc là 7,6 tỷ USD, sau đó lần lượt là ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Báo cáo này đưa ra một số điểm lưu ý, kim ngạch xuất khẩu trong quý sang Trung Quốc giảm 7,4% so với cùng kỳ, một phần do việc xuất khẩu vào thị trường này ngày càng khó hơn về mặt chính sách. Hiện có một số thay đổi trong giám sát xuất nhập khẩu hoa quả vào Trung Quốc với những yêu cầu rõ ràng đối với các hạng mục kiểm dịch hoa quả xuất nhập khẩu giữa hai nước (như giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoa quả, nguồn gốc hàng hóa từ các nhà vườn hay cơ sở đóng gói đã đăng kí với các cơ quan chức năng của Việt Nam và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận).
Với kết quả trên, ông Thế Anh nhấn mạnh, “có thể thấy khu vực FDI vẫn là đầu tàu thương mại của kinh tế Việt Nam.”
Trong các mặt hàng nhập khẩu, nhóm hàng điện tử, máy tính, linh kiện và nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng được nhập khẩu nhiều nhất, với kim ngạch lần lượt là 11,7 tỷ USD và 8,7 tỷ USD. Riêng dầu thô được nhập khẩu lên tới 919 triệu USD do nhu cầu phục vụ sản xuất của Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới đi vào sản xuất từ giữa năm 2018.
Hiện, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 15tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Theo nhóm tác giả, nguyên nhân của động thái này là đồng nội tệ Trung Quốc có xu hướng giảm khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang trong thời gian đình chiến với nỗ đàm phán của hai phía.
Nền tảng bấp bênh?
Với mức tăng trưởng đạt 6,79% của quý 1, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,6%- 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra khả thi. Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát bình quân trong quý 1 ở mức vừa phải 2,63%.
Tuy nhiên, nhóm này tiếp tục thận trọng với cảnh báo, lạm phát có xu hướng gia tăng từ việc tăng giá điện và xăng dầu liên hoàn gần đây có thể tác động đến CPI từ 2 tháng đến 6 tháng tới.
“Do vậy, để đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4%, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn cần sự thận trọng. Thêm vào đó, bối cảnh kinh tế thế giới từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và chủ nghĩa bảo hộ, rủi ro của kinh tế Trung Quốc, tương lai không rõ ràng của tiến trình Brexit của Anh hay mâu thuẫn trong nội bộ khu vực EU, sự thất thường của Tổng thống Mỹ Donald Trump… đang khiến tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 trở nên bất định hơn, do có thể chịu những ảnh hưởng từ các cú sốc trên thị trường quốc tế.” ông Thế Anh nhấn mạnh.
Thời gian qua, các liên kết kinh tế lớn trên thế giới cho thấy có sự rạn nứt và điều này đang gây ra không ít những bất ổn cho chính nhóm các quốc gia này, song Việt Nam cũng khó có thể tránh khỏi, đặc biệt trong hoạt động thương mại trong bối cảnh toàn cầu hoá.
Để nâng cao khả năng chống chọi trước những bất ổn từ bên ngoài, nhóm tác giả kiến nghị, Việt Nam cần từng bước xây dựng đệm tài khóa, trước tiên thông qua việc tinh giản bộ máy Nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên.
“Một khi vấn đề thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh chưa được giải quyết, những thành tích về tăng trưởng hay lạm phát đang phải dựa vào một nền tảng bấp bênh,” ông Thế Anh thẳn thắn chỉ ra./.