Vết nứt của tảng băng thương mại Australia-Trung Quốc đang lớn dần

Những hành động thương mại "cứng rắn" của Bắc Kinh chắc chắn sẽ gây thiệt hại đối với cả Trung Quốc lẫn Australia. Để tránh rủi ro, Australia cần phải đa dạng hóa xuất khẩu, tăng hợp tác đa phương.
Vết nứt của tảng băng thương mại Australia-Trung Quốc đang lớn dần ảnh 1Công nhân sản xuất giầy tại nhà máy của Hãng Kangnai, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc mới đây đã tuyên bố mở một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng rượu vang xuất khẩu của Australia. Thông báo ngày 17/8 của Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) cho biết, các lô hàng rượu vang dưới 2 lít của Australia, được sản xuất vào năm 2019, sẽ bị đưa vào danh sách điều tra nhằm làm rõ có hay không việc các doanh nghiệp "xứ sở chuột túi" đang tìm cách gây "lũng đoạn" thị trường, làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp rượu vang Trung Quốc trong giai đoạn 2015-2019.

Yêu cầu điều tra do Hiệp hội Đồ uống có cồn của Trung Quốc đề xuất, trong đó kiến nghị các cơ quan quản lý xem xét 10 nhà sản xuất rượu Australia, bao gồm cả những thương hiệu nổi tiếng như Treasury Wine Estates, Penfolds và Accolade...

Đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh "nhắm" đến các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Australia. Từ hồi tháng Năm, nước này đã tuyên bố áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với hơn 80% đối với hàng lúa mạch nhập khẩu từ Australia, cũng như "cấm cửa" 4 nhà sản xuất thịt bò lớn với lý do không đáp ứng yêu cầu nhãn mác và chứng nhận nhập khẩu trong thời gian dài.

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham ngày 18/9 chỉ trích cuộc điều tra của Trung Quốc là "một diễn biến rất đáng thất vọng và khó hiểu."

Ông nói: “Ngành công nghiệp rượu vang của chúng tôi đã làm việc cực kỳ chăm chỉ để trở thành một nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới. Rượu vang Australia rất được ưa chuộng tại Trung Quốc nhờ chất lượng tuyệt hảo. Mặt hàng này không được bán dưới giá thị trường, cũng như không nhận được bất kỳ sự trợ cấp nào từ Chính phủ Australia."

Quan hệ thương mại Australia-Trung Quốc

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Australia với tổng kim ngạch trao đổi hai chiều lên tới hơn 230 tỷ AUD/năm (163,3 tỷ USD/năm). Có thể thấy, mặc dù mối quan hệ chính trị giữa hai nước đang dần trở nên "nguội lạnh," quan hệ thương mại song phương vẫn tăng trưởng đều.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, tỷ trọng hàng xuất khẩu của Australia vào Trung Quốc ghi nhận vượt ngưỡng kỷ lục hơn 48,8%, đưa mức thặng dư thương mại trong tháng thứ 30 liên tiếp chạm con số 8,2 tỷ AUD (5,82 tỷ USD).

[Hoạt động thương mại Australia-Trung Quốc tăng mạnh nửa đầu năm]

Số liệu chính thức của Cơ quan Thống kê Australia cho thấy xuất khẩu sang Trung Quốc - chủ yếu là quặng sắt, đặc biệt là trong quý 2/2020 - đã đạt đỉnh 14,6 tỷ AUD (10,37 tỷ USD), chiếm khoảng 8,5% tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước.

Hàng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 33% tổng số hàng xuất khẩu của Australia ra thị trường quốc tế. Ngoài khoáng sản, một số mặt hàng nông nghiệp chủ lực của Australia cũng rất được ưa chuộng tại cường quốc lớn nhất châu Á, như lúa mạch, len, sợi bông, sữa, rượu vang, hoa quả, thịt bò, thịt cừu...

Ngoài ra, xét trên khía cạnh xuất khẩu tại chỗ, Trung Quốc cũng là nhà tiêu dùng lớn nhất của Australia trong hai lĩnh vực dịch vụ là du lịch và giáo dục. Trong vòng 5 năm gần đây, giai đoạn 2014-2019, số du khách Trung Quốc đến Australia đã gia tăng gấp đôi. Trong đó, năm 2018, quốc gia này đã soán ngôi New Zealand để trở thành nước có số du khách đến Australia cao nhất, đạt khoảng 1,39 triệu lượt.

Với mức chi tiêu vào top cao nhất thế giới, du khách Trung Quốc góp phần thúc đẩy doanh thu của ngành du lịch Australia và hỗ trợ sự phát triển mạnh mẽ của các ngành kinh doanh phụ trợ như dịch vụ khách sạn, ăn uống, các hãng hàng không, đại lý du lịch và ngành bán lẻ.

Về lĩnh vực giáo dục, số du học sinh Trung Quốc đang theo học tại Australia luôn đứng trong top đầu thế giới. Năm 2019, khoảng 10% sinh viên đại học tại "xứ sở chuột túi" là người Trung Quốc, mang lại khoảng 12 tỷ AUD (8,3 tỷ USD) nguồn thu từ tiền học phí mỗi năm.

Không những vậy, nhờ nguồn du học sinh Trung Quốc lớn, thị trường nhà ở của Australia trong những năm qua cũng chứng kiến sự gia tăng về cả giá bán nhà lẫn giá nhà cho thuê.

Ngoài ra, các ngành dịch vụ khác như tiêu dùng, giao thông... cũng được hưởng lợi. Trong khi, thị trường lao động Australia có thêm nguồn cung phong phú từ chính lực lượng du học sinh nước ngoài, bao gồm du học sinh Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, chỉ có 19% hàng nhập khẩu của Trung Quốc có đích đến là Australia. Con số đầu tư của Trung Quốc vào quốc gia lớn nhất châu Đại Dương cũng dừng ở mức khiêm tốn 2% thị phần tổng lượng đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, Australia là nguồn cung nguyên liệu quan trọng, cung cấp 2/3 sản lượng quặng sắt nhập khẩu và khoảng hơn 25 triệu tấn khí hóa lỏng (LNG) cho Trung Quốc, cao hơn rất nhiều so với các bạn hàng khác như Brazil, Mỹ hay các quốc gia châu Phi.

Căng thẳng gia tăng

Mối quan hệ Australia-Trung Quốc bắt đầu rạn nứt kể từ giữa năm 2018, khi Chính quyền của cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull lần đầu tiên giới thiệu một luật mới chống can thiệp nước ngoài, được cho là nhằm vào Trung Quốc.

Ông Turnbull đã đề cập đến "các báo cáo đáng lo ngại về ảnh hưởng Trung Quốc" như một cách biện minh cho luật này, trong khi Bắc Kinh "thẳng thừng bác bỏ" cáo buộc can thiệp vào công việc của Australia.

Tiếp đó, căng thẳng tăng tốc khi Australia trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công khai "cấm cửa" công ty công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia vào kế hoạch xây dựng mạng viễn thông 5G quốc gia vào đầu năm 2019.

Canberra cũng bày tỏ quan ngại về việc Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Thái Bình Dương, nơi Australia giữ vai trò là "quốc gia dẫn đầu."

Đến tháng 10/2019, thông tin Trường Đại học Quốc gia Australia (ANU) bị tấn công mạng dẫn đến hàng trăm dữ liệu cá nhân của các giảng viên, sinh viên và rất nhiều nguồn dữ liệu lưu trữ khác bị đánh cắp, cùng việc hàng loạt tổ chức thuộc chính phủ và Quốc hội Australia cũng ghi nhận dấu vết tin tặc "ghé thăm," đã làm dấy lên câu hỏi âm ỉ từ lâu rằng liệu có phải Trung Quốc đang tìm cách gây ảnh hưởng tới Australia? Đặc biệt là nguồn tin từ các cơ quan an ninh Australia tiết lộ các cuộc tấn công mạng này do một tổ chức nhà nước đứng đằng sau ủng hộ.

Giữa lúc này, cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã trở nên gay gắt hơn. Nhiều nhà quan sát đánh giá Australia, đồng minh thân cận của Mỹ kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, đã theo chân Mỹ để chống lại Trung Quốc.

Bất chấp việc Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định sẽ giữ thế thăng bằng trước "bập bênh" Mỹ-Trung Quốc, cũng như liên tục nhấn mạnh Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Australia, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu, "hình ảnh" Australia thân thiết với Mỹ rõ ràng đã tạo ra sự khó chịu từ phía chính quyền Bắc Kinh.

Trả lời phỏng vấn truyền thông Australia, Đại sứ Trung Quốc tại Canberra Thành Cạnh Nghiệp cho biết: "Hai nước cần một khuôn khổ công bằng và không phân biệt đối xử để gắn kết tốt hơn, cũng như sự tin tưởng chính trị lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi giống như hai bánh xe. Mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc chỉ có thể ổn định và ngày càng cải thiện khi cả hai bánh xe đều quay với cùng tốc độ và cùng hướng."

Đến năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát tại hầu khắp các quốc gia trên thế giới, căng thẳng Australia-Trung Quốc đã tạm lắng khi hai quốc gia cùng tập trung vào việc bảo vệ người dân tránh khỏi dịch bệnh.

Nhưng sang tới tháng Năm, mối quan hệ này đã tiến vào một giai đoạn mới, sau vụ việc Canberra lên tiếng kêu gọi thế giới chung tay thiết lập một cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch.

Trong buổi họp báo tại thủ đô Canberra vào cuối tháng Tư, ông Morrison nhấn mạnh tất cả thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nên có nghĩa vụ tham gia cuộc điều tra độc lập.

Ông nói: "Nếu chúng ta là thành viên của WHO, cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ kèm theo. Chúng tôi muốn thế giới an toàn hơn khi có virus mới xuất hiện... Tôi hy vọng rằng các quốc gia, dù là Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác, sẽ cùng chia sẻ mục tiêu đó."

Đáp lại lời kêu gọi của Australia, Đại sứ Thành Cạnh Nghiệp công khai cáo buộc nhiều chính trị gia Australia hùa theo Mỹ chỉ trích Bắc Kinh thiếu minh bạch trong xử lý dịch bệnh COVID-19 ở giai đoạn khởi phát.

Thông báo của ông Thành Cạnh Nghiệp gửi giới truyền thông Australia nêu rõ: "Gần đây một số người ở Mỹ, bao gồm quan chức cấp cao, phát tán thông tin về virus SARS-CoV-2 nhằm chống lại Trung Quốc. Một số chính trị gia Australia cũng sẵn sàng nói theo những gì người Washington đã khẳng định và theo đuôi người Mỹ trong việc dàn dựng cuộc tấn công chính trị nhằm vào Trung Quốc.”

Đại sứ Trung Quốc tại Canberra ám chỉ người tiêu dùng Trung Quốc có thể sẽ tẩy chay sản phẩm nông nghiệp, giáo dục và du lịch quan trọng của Australia để đáp trả hành động kêu gọi tiến hành cuộc điều tra quốc tế về đại dịch COVID-19 của Canberra.

Những cảnh báo của ông Thành Cạnh Nghiệp ngay lập tức được Bắc Kinh minh chứng lần lượt qua các chính sách thương mại cụ thể, như áp thuế cao với hàng lúa mạch, cấm nhập khẩu thịt bò hay gần đây nhất là điều tra chống bán phá giá rượu vang của Australia.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên biện hộ việc dừng nhập khẩu thịt bò chỉ “nhằm đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng Trung Quốc” hay hành động tăng thuế lúa mạch là dựa trên một cuộc điều tra đã được tiến hành từ ba năm trước...

Tuy nhiên, ngoài các chính sách thắt chặt thương mại, Bắc Kinh còn công khai cảnh báo người dân nước này không nên đi du lịch Australia và du học sinh nên xem xét lại quyết định đến học tập tại Xứ sở Chuột túi với lý do về dịch bệnh, tình trạng bạo lực và sự gia tăng phân biệt đối xử với người châu Á.

Ai là người chịu thiệt?

Những hành động thương mại "cứng rắn" của Bắc Kinh chắc chắn sẽ gây thiệt hại đối với cả Trung Quốc lẫn Australia. Với vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực khai khoáng thế giới, Trung Quốc sẽ khó kiếm được nhà cung cấp thay thế cho Australia về nguồn nguyên liệu chất lượng cao và giá cạnh tranh, đặc biệt là than, quặng sắt, khí hóa lỏng và đất hiếm. Tuy nhiên, những gì Bắc Kinh thể hiện trong vài tháng qua cho thấy Trung Quốc có vẻ đã sẵn sàng chịu thiệt hại để đạt được các mục tiêu của mình.

Trong khi về phía Australia, tổn thất sẽ không chỉ dừng lại ở ngắn hạn mà còn kéo dài trong nhiều năm. Hiệu trưởng Trường Mercury International Consulting, Giáo sư Heath Baker, phân tích nếu Australia muốn giảm tỷ trọng hàng xuất khẩu vào Trung Quốc từ 33% xuống còn 25%, điều đó có nghĩa là Australia sẽ cần tìm thị trường mới để xuất khẩu 36 tỷ AUD (25,78 tỷ USD), tương đương với giá trị xuất khẩu của nước này sang Hàn Quốc và Indonesia. Đây là việc thực sự khó khăn và gần như không thể đạt được trong ngắn hạn.

Báo cáo của Viện chính sách The Henry Jackson Society (Anh) cho thấy Australia đang phụ thuộc vào Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế hơn bất kỳ quốc gia thành viên nào khác trong liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes), gồm Australia, Mỹ, Anh, Canada và New Zealand.

Trong số các thành viên Five Eyes, Australia là quốc gia phụ thuộc chiến lược nhiều nhất vào Trung Quốc, với 595 loại hàng hóa quan trọng chiến lược, trong khi con số này của Mỹ và Anh lần lượt là 414 và 229.

Mặc dù Trung Quốc chỉ đưa vào thị trường Australia 19% tổng sản lượng xuất khẩu, nhưng con số này đủ lớn để khiến "xứ sở chuột túi" phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả hàng hóa thiết yếu đối với các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, như Internet vạn vật, quản lý kỹ thuật số siêu tốc và nhiều loại công nghệ khác, trong đó có công nghệ sinh học.

Sự thống trị của Bắc Kinh còn được ghi nhận trong sản xuất magie, vốn rất cần thiết trong ngành vận tải, năng lượng và xây dựng, cũng như trong sản xuất các hoạt chất dược phẩm và là mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.

Vậy Australia cần làm gì để quản lý rủi ro từ sự ép buộc kinh tế của Bắc Kinh trong thời gian tới? Câu trả lời, theo Giáo sư Baker đó là cần phải đa dạng hóa xuất khẩu và tăng cường hợp tác kinh tế đa phương, song phương.

Nỗ lực đa dạng hóa

Theo Tiến sỹ Richard McGregor, thành viên cao cấp của Viện Lowy Australia, có rất ít hy vọng mối quan hệ của Canberra và Bắc Kinh trở nên tốt hơn trong tương lai gần. Ông McGregor nói: “Một điều khá rõ ràng là mối quan hệ giữa hai quốc gia đã trở nên tồi tệ. Australia đã cảnh báo các doanh nghiệp nên đa dạng hóa quan hệ kinh tế để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng vậy.”

Trong bài viết đăng tải trên trang mạng của Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA), nhà phân tích Adil Calder nhận định việc tìm kiếm cơ hội để mở rộng hợp tác là giải pháp thích hợp nhất dành cho Canberra và Ấn Độ sẽ là quốc gia thay thế tốt nhất trong quá trình “thoát Trung” thời kỳ hậu COVID-19.

Ông viết Ấn Độ-Australia đang có mối quan hệ tốt đẹp cả về kinh tế và chiến lược. Trong bối cảnh đó, sự gia tăng thương mại giữa hai bên sẽ làm tăng cường quan hệ, đồng thời giảm bớt sự tổn thương về kinh tế và chính trị của Australia đối với Trung Quốc.

Tương tự, tờ Jakarta Post của Indonesia nhận định Hiệp định thương mại tự do Australia-Indonesia (IA-CEPA) có hiệu lực từ tháng 7/2020 sẽ là cánh cửa tiềm năng cho các nhà xuất khẩu Australia tận dụng thị trường lớn nhất Đông Nam Á.

Trong tương lai, các doanh nghiệp Australia sẽ được trao đặc quyền trong việc đầu tư vào thị trường Indonesia, bao gồm cả hai lĩnh vực trọng yếu là y tế và giáo dục. Ước tính IA-CEPA sẽ thúc đẩy xuất khẩu nông sản Australia sang Indonesia, với hơn 99% sản phẩm nông nghiệp Australia sẽ được hưởng ưu đãi khi tiếp cận thị trường Indonesia. Bên cạnh đó, IA-CEPA có thể trở thành bước tiến giúp đa dạng hóa quan hệ Australia-ASEAN và gia tăng ảnh hưởng trên toàn khu vực.

Ngoài ra, cũng phải kể tới các nỗ lực hoàn thành một số hợp tác quan trọng khác như tăng cường liên kết với Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nỗ lực duy trì Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và mở rộng mạng lưới hiệp định thương mại tự do, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến Bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ giúp Canberra tiếp cận nhiều cơ hội kinh tế mới hơn.

Tuy nhiên, Giáo sư Baker cũng nhận định dường như Australia vẫn còn thiếu một chiến lược toàn diện. Ông viết thông điệp cần được đưa ra là Canberra sẽ không nhượng bộ trước sự ép buộc kinh tế, nhưng sẽ không đáp trả bằng việc áp đặt các hạn chế thương mại.

Canberra cần phải cởi mở với các doanh nghiệp và khẳng định sẽ không hạn chế quyền tiếp cận vào thị trường quan trọng nhất của họ (trừ các tình huống đặc biệt nhất). Và trong mọi tình huống, các doanh nghiệp mong đợi ba điều từ Canberra, đó là kỷ luật, cởi mở và sự hỗ trợ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.