EC khẳng định quá trình gỡ 'Thẻ Vàng' của Việt Nam đang đi đúng hướng

Vì mục tiêu gỡ 'Thẻ Vàng' IUU trong khai thác thủy hải sản

Sau hơn 5 năm Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "Thẻ Vàng" (23/10/2017), trải qua 3 lần thanh tra, EC đã khẳng định quá trình gỡ thẻ của Việt Nam đang đi đúng hướng, có sự cải thiện tích cực.
Vì mục tiêu gỡ 'Thẻ Vàng' IUU trong khai thác thủy hải sản ảnh 1Tàu cá neo đậu tại khu vực cảng An Thới, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đang đe dọa hệ sinh thái biển và đại dương, cũng như đa dạng sinh học, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế bền vững của các cộng đồng ven biển và làm xói mòn tương lai lâu dài của nền kinh tế toàn cầu và an ninh lương thực.

Sau hơn 5 năm Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "Thẻ Vàng" (23/10/2017), trải qua 3 lần thanh tra, EC đã khẳng định quá trình gỡ thẻ của Việt Nam đang đi đúng hướng, có sự cải thiện tích cực.

EC cũng khẳng định "có khung pháp lý rõ ràng" và mục tiêu hỗ trợ Việt Nam trong việc gỡ "Thẻ Vàng" IUU sớm nhất có thể.

Đoàn Thanh tra của EC dự kiến đến Việt Nam vào tháng 10 tới để thanh tra lần thứ 4 và xem xét có gỡ "Thẻ Vàng" IUU cho hải sản Việt Nam hay không?

Cho đến nay, EC đánh giá rằng việc chống khai thác IUU đã được Chính phủ Việt Nam ưu tiên và có kết quả khả quan.

[Khắc phục gỡ "Thẻ vàng" IUU ở ĐBSCL: Nhiều kết quả tích cực]

Từ năm 2017, Việt Nam đã triển khai hàng loạt biện pháp, chương trình hành động nhằm ngăn chặn và loại bỏ hoạt động khai thác IUU, bao gồm sửa đổi và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; ký kết các điều ước quốc tế và tham gia các chương trình chống khai thác IUU; tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của chính quyền và ngư dân về hậu quả của việc khai thác IUU; nâng cao năng lực của lực lượng thực thi pháp luật và tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát trên biển; xây dựng các cơ chế hợp tác để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, bài học từ các nước về chống khai thác IUU.

Việc quản lý, theo dõi, giám sát đội tàu cá của Việt Nam đã tương đối đồng bộ, với trên 98% tàu cá dài trên 15m được lắp thiết bị giám sát hành trình.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi một ngành đánh cá, từ mang tính chất đánh bắt tự nhiên trở thành một ngành đánh cá hiện đại, bền vững, có trách nhiệm và việc thay đổi ý thức của ngư dân là một thách thức lớn, đòi hỏi quyết tâm cao của tất cả các bên liên quan.

Việc EC vẫn chưa gỡ “Thẻ Vàng” đối với hải sản của Việt Nam là do một số địa phương thiếu sự quyết liệt trong thực hiện các khuyến nghị cần thực hiện, còn để xảy ra tình trạng tàu cá xâm phạm ngư trường nước ngoài.

Theo Tổng vụ Các Vấn đề về Biển và Thủy sản (DG-MARE) của EC, Việt Nam cần có những giải pháp mạnh hơn nữa trong việc chống khai thác bất hợp pháp và chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra, xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và xử phạt nghiêm 100% hành vi khai thác IUU theo quy định; xác minh, xử lý 100% các tàu cá không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình theo quy định, như các tàu cá mất kết nối trên 10 ngày trên biển.

Việc gỡ “Thẻ Vàng” IUU là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết vì Liên minh châu Âu (EU) nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Trung Quốc và đứng trước Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trị giá 11 tỷ USD năm 2022, thị trường EU đóng góp khoảng 1,3 tỷ USD. Việc chậm thực hiện khuyến nghị của các đoàn thanh tra từ EC có thể khiến cho “thẻ vàng” có nguy cơ biến thành “thẻ đỏ."

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) ước tính rằng nếu bị phạt "Thẻ Đỏ," Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản khai thác sang EU với tổng giá trị gần 500 triệu USD/năm.

Ngoài EU, một số quốc gia khác như Mỹ cũng có những quy định tương tự về chống IUU, nếu Việt Nam bị áp "Thẻ Đỏ" thì các quốc gia này cũng có thể áp dụng những biện pháp tương tự đối với mặt hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam.

Nhưng đáng lo ngại hơn là về lâu dài, Việt Nam đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi hải sản. Trữ lượng hải sản của Việt Nam có khoảng 3,95 triệu tấn, nhưng đã khai thác 3,8 triệu tấn.

Theo EC, với cường độ khai thác đó, tài nguyên thủy sản sẽ suy giảm. Cao ủy EU về Môi trường, Đại dương và Nghề cá, ông Virginijus Sinkevičius, đã nói rằng việc EC áp "Thẻ Vàng" IUU cũng có thể góp phần thúc đẩy Việt Nam giảm khai thác tài nguyên kiệt quệ và đảm bảo công bằng cho những ngư dân không vi phạm.

Phía EC cũng tin tưởng vào quyết tâm của Việt Nam khi triển khai "kế hoạch 180 ngày cao điểm chống khai thác IUU"; trong việc xây dựng Luật Thủy sản và nghị định thi hành, Việt Nam đều tham khảo những góp ý từ EC.

Vì mục tiêu gỡ 'Thẻ Vàng' IUU trong khai thác thủy hải sản ảnh 2Tàu cá neo đậu tại khu vực cửa biển thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

EU đưa ra quy định nhận diện nguồn gốc thủy sản nhập khẩu, từ đó phân loại các quốc gia xuất khẩu thủy sản vào liên minh này bằng hệ thống các thẻ màu bao gồm xanh, vàng, đỏ và nghiêm trọng nhất là ngừng giao dịch.

Với hạn chế của "Thẻ Vàng," thủy sản Việt Nam xuất khẩu đi EU bị tiền kiểm 100%. Hậu quả là chi phí xuất khẩu hải sản sang châu Âu tăng lên, số lượng giảm xuống do thời gian giao hàng kéo dài.

Người ta có thể hiểu một cách đơn giản là hàng hải sản nhập vào châu Âu phải đầy đủ các thông tin truy tích được: đánh bắt ở đâu, khi nào, bởi tàu loại nào, ra khơi và về lại đất liền ở cảng nào? Có tuân thủ luật pháp về khai thác - quản lý thủy sản của quốc gia sở tại? Những bộ luật đó có phù hợp với quy định của EU hay không?

Là một quốc gia ven biển có số lượng tàu đánh bắt xa bờ lớn, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu cá trên toàn thế giới, chiếm khoảng 5% sản lượng thủy sản toàn cầu.

Năm 2022, tổng sản lượng thủy sản khai thác đạt hơn 3,86 triệu tấn. Từ góc độ kinh tế, việc không ngăn chặn được hoạt động khai thác IUU cũng đồng nghĩa với xuất khẩu sụt giảm. Trên bình diện quốc tế, hoạt động khai thác IUU cũng đã đặt ra rủi ro, làm xói mòn danh tiếng của Việt Nam và làm suy giảm quan hệ thương mại quốc tế với các đối tác./.

Bài 1: Quản lý tàu cá, không để khai thác bất hợp pháp thủy sản

Bài 2: Gắn kết ngư dân bám biển, chuẩn bị tốt nhất cho đợt thanh tra IUU
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.