Vì sao các dự án điện trọng điểm chậm tiến độ?

Theo kế hoạch, đến ngày 30/6 vừa qua, dự án Đường dây 220kV mạch kép đấu nối Trạm biến áp 220kV Bắc Quang sẽ phải đóng điện, song đến nay, dự án vẫn chưa thể hoàn tất do vướng mắc giải phóng mặt bằng.
Vì sao các dự án điện trọng điểm chậm tiến độ? ảnh 1Thi công tại trạm biến áp 220 kV Bắc Quang. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Đường dây 220kV mạch kép đấu nối Trạm biến áp 220kV Bắc Quang là công trình trọng điểm có quy mô 2 mạch, dài hơn 43km, gồm 117 vị trí móng cột, từ huyện Bắc Quang của tỉnh Hà Giang đến huyện Lục Yên của tỉnh Yên Bái.

Theo tiến độ phê duyệt, dự án này cần phải đóng điện trước ngày 30/6, tuy nhiên đến nay, sau hơn nửa tháng, việc giải phóng mặt bằng phục vụ thi công vẫn còn nhiều vướng mắc khiến dự án chưa thể triển khai các hạng mục còn lại.

Nghẽn do chưa có mặt bằng

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB), công trình này được đầu tư nhằm giải tỏa hết công suất của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Hà Giang lên hệ thống điện quốc gia; qua đó nâng cao độ an toàn tin cậy, ổn định cung cấp điện cho hệ thống điện miền Bắc nói chung; trong đó có các tỉnh Hà Giang, Lào Cai và Yên Bái nói riêng, nhất là mùa khô năm 2023 đang đến gần.

Theo kế hoạch, đến ngày 30/6 vừa qua, dự án sẽ phải đóng điện, song đến nay đã quá hơn nửa tháng, dự án vẫn chưa thể hoàn tất do vướng mắc giải phóng mặt bằng tại các địa phương.

Trong khi đó, Trạm biến áp 220kV Bắc Quang đã hoàn thành từ cuối tháng 4 vừa qua, chỉ chờ hoàn thành nốt đường dây 220kV để hoàn tất công việc đóng điện cả dự án này.

[Thi công 2 dự án truyền tải giải tỏa nguồn thủy điện khu vực Tây Bắc]

NPMB cho hay trên nhiều vị trí của dự án Xây dựng đường dây 220kV mạch kép đấu nối Trạm biến áp 220kV Bắc Quang, nhà thầu thi công vẫn đang chờ có mặt bằng sạch để triển khai.

Trao đổi với phóng viên tại công trường, ông Lưu Ánh Minh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 11.1, cho biết đơn vị thi công đã sẵn sàng nhân lực, vật tư để đảm bảo tiến độ, nếu được bàn giao vị trí 20 sớm thì chỉ trong tháng 7 là hoàn thành phần móng và dựng cột.

Việc chậm bàn giao mặt bằng để thi công khiến chi phí sản xuất tăng lên khi đội ngũ nhân lực gần 40 người cùng phương tiện máy móc, thiết bị cũng phải chờ mặt bằng.

"Máy móc, nhân công hàng trăm người, cùng với đội ngũ giám sát, tư vấn đều phải ngừng thi công chờ giải phóng mặt bằng. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chủ đầu tư, mà còn ảnh hưởng việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia trong thời gian tới. Rất mong các địa phương vào cuộc nhanh và quyết liệt hơn để tránh chậm tiến độ kéo dài," ông Lưu Ánh Minh cho biết.

Chỉ huy trưởng toàn tuyến đường dây 220kV mạch kép đấu nối Trạm biến áp 220kV Bắc Quang, ông Đồng Xuân Sang cho biết Công ty cổ phần Sông Đà 11 phụ trách thi công toàn bộ 117 vị trí móng cột, hiện tại đơn vị đã hoàn thành trên 80% khối lượng. Do vướng mặt bằng nên một số hạng mục, vị trí còn lại đơn vị chưa triển khai được.

"Hiện tại dự án phụ thuộc rất nhiều về đền bù giải phóng mặt bằng. Nếu trong tháng 7 này có thể hoàn thành đền bù thì tháng 8 đơn vị sẽ sớm hoàn thành thi công", ông Đồng Xuân Sang cho biết.

Ông Sang cho biết thêm ở các vị trí như 91, 84, đơn vị đã tập trung vật tư được 3 tháng nhưng do người dân không đồng thuận trong đền bù nên nhà thầu chưa làm được.

Ông Phùng Bảo Anh, Phó giám đốc Ban Quản lý các công trình điện miền Bắc - đơn vị được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) giao nhiệm vụ quản lý dự án, cho biết hiện toàn tuyến đường dây còn 1 vị trí cột và 14 khoảng néo trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) và 1 vị trí cột và 10 khoảng néo trên địa bàn huyện Bắc Quang (Hà Giang) đang bị nghẽn trong giải phóng mặt bằng, chưa thể thi công.

Cụ thể, tại huyện Lục Yên, hiện có 34/35 vị trí cột móng đã hoàn thành, còn vị trí cột 20 chưa có mặt bằng do người dân chưa đồng ý mức tiền đền bù, 14 khoảng néo cũng đang bị dừng lại do hành lang tuyến chưa giải quyết xong đền bù.

Còn tại huyện Bắc Quang, hiện đã có 81/82 vị trí cột đã hoàn thành chỉ còn vị trí cột 94 người dân yêu cầu đơn giá bồi thường gấp 4 lần quy định; cùng với đó, 20/30 khoảng néo đã giải tỏa xong hành lang tuyến, hiện còn 10 khoảng néo vẫn đang vướng mắc do 28 hộ dân chưa đồng thuận để nhận tiền đền bù.

Chưa chốt được thời hạn giao mặt bằng

Dự án đường dây 220kV mạch kép đấu nối Trạm biến áp 220kV Bắc Quang ngoài việc giải tỏa công suất cho các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, còn phục vụ mua điện từ nước ngoài.

Nhận thức được tầm quan trọng của dự án, Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo bồi thường giải phóng mặt bằng do trực tiếp Bí thư huyện ủy làm Trưởng ban chỉ đạo.

Vì sao các dự án điện trọng điểm chậm tiến độ? ảnh 2Phần đường dây 220kV mạch kép đấu nối với Trạm biến áp 220kV Bắc Quang. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ông Nguyễn Đàm Thuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Quang, chia sẻ hiện Bắc Quang đang có nhiều dự án lớn, trọng điểm của tỉnh và của ngành điện.

Tuy nhiên trước tầm quan trọng của dự án, huyện đã thành lập Tổ tuyên truyền-giám sát việc giải phóng mặt bằng các dự án do Mặt trận Tổ quốc và các đơn vị thành viên tham gia.

Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền xuống các hộ dân thì Tổ cũng bám sát cơ chế chính sách của nhà nước, giám sát việc thực hiện, đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng nhanh nhất có thể.

"Thời gian qua, chúng tôi luôn phối hợp rất chặt chẽ, cả trực tiếp, gián tiếp với Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc để thông tin, gỡ vướng mắc nếu có. Chúng tôi cam kết sẽ đẩy nhanh các thủ tục, hoàn thành giải phóng mặt bằng trong thời gian sớm nhất, theo quy định của pháp luật," ông Nguyễn Đàm Thuyên khẳng định.

Thực tế triển khai giải phóng mặt bằng tại huyện Bắc Quang cho thấy có trường hợp vị trí cột 51 liên quan đến 4 hộ dân; trong đó có 2 hộ nhận tiền đề bù và 2 hộ không nhận.

Sau khi tuyên truyền vận động, phân tích đầy đủ cơ chế chính sách của nhà nước, nhưng người dân không hiểu hoặc cố tình không hiểu, đã buộc chính quyền huyện này phải ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất, sau đó ban hành các kế hoạch triển khai các bước tiếp theo.

Tuy vậy, chỉ ngay sau vài ngày ra quyết định cưỡng chế thì 2 hộ còn lại đã viết đơn đồng thuận nhận tiền đền bù. Điều này cho thấy sự vào cuộc sát sao, nhanh chóng của địa phương là rất quan trọng trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, ông Thuyên chia sẻ.

Vị Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Quang cũng cho hay, trên địa bàn huyện còn 1 vị trí cột 94, chính quyền địa phương sẽ vận dụng theo quy định pháp luật tiếp tục dùng các giải pháp tuyên truyền vận động để người dân hiểu, cố gắng không phải cưỡng chế, bảo vệ thi công, phấn đấu sớm nhất bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Còn tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, với vướng mắc về mặt bằng tại vị trí cột 20, ông Đặng Minh Hiệp, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lục Yên, cho biết đối với hộ dân chưa nhận đề bù gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án tại vị trí cột 20, Trung tâm đã phối hợp với chính quyền xã mời lên làm việc nhiều lần và đang tiến hành các bước theo quy định của pháp luật.

Tuy vậy, khi được phóng viên hỏi nếu vận động, thuyết phục nhiều lần và tiến hành đầy đủ các bước theo quy định của pháp luật mà hộ dân không chấp hành thì huyện có tiến hành cưỡng chế hay không thì ông Hiệp không đưa ra câu trả lời.

Biên bản làm việc với các hộ dân, thời hạn tiến hành các bước làm việc, thủ tục cưỡng chế, bàn giao mặt bằng... theo yêu cầu của phóng viên cũng chưa được Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lục Yên cung cấp.

Như vậy đến thời điểm giữa tháng 7 này, huyện Lục Yên vẫn chưa chốt được thời hạn đến thời điểm nào bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Tại cuộc họp mới đây với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 và tình hình thực hiện các dự án trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với ngành điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo là phải bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đặc biệt, về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và cho phát triển kinh tế chung của đất nước, Thủ tướng yêu cầu EVN, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cần có quyết tâm cao nhất, làm hết trách nhiệm theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tuyệt đối không được trì trệ làm chậm tiến độ các dự án.

Các bộ, ngành liên quan phải tăng cường phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích quốc gia dân tộc.

Chỉ đạo của Thủ tướng đã cho thấy sự cấp bách phải đẩy nhanh tiến độ các dự án điện trọng điểm, khi dự báo phụ tải điện đang tăng cao trở lại.

Tuy vậy, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công dự án, bên cạnh nỗ lực của chủ đầu tư, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân, nơi có dự án đi qua./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.