Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng khuyến cáo nếu một lao động ăn đủ khẩu phần ăn, năng suất lao động sẽ tăng 20%. Tuy nhiên, giá trị và chất lượng bữa ăn ca của người lao động ở Việt Nam vẫn chưa được cải thiện do nhiều nguyên nhân.
Chạy theo lợi nhuận, coi thường sức khỏe công nhân
Theo khảo sát của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong số những vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến người lao động, có tới 70% nguyên nhân do cơ sở cung cấp thức ăn không bảo đảm an toàn vệ sinh, nguồn thực phẩm kém chất lượng, còn lại hơn 30% đến từ điều kiện vệ sinh bếp ăn tại chỗ.
Về vấn đề này, nhiều chuyên gia sức khỏe lo ngại việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, chưa qua chế biến còn nhiều dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật cũng là một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Nhiều trường hợp các vụ ngộ độc xảy ra là do quá trình chế biến, bảo quản thức ăn không tốt, dẫn đến nhiễm vi sinh. Ngoài ra, một bộ phận cơ sở chế biến buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát trong khâu chế biến dẫn đến thực phẩm bị nhiễm khuẩn...
Trong nhiều cuộc họp bàn nhằm tìm ra biện pháp nâng cao chất lượng bữa ăn ca, các nhà quản lý phân tích rằng mọi nguyên nhân, cuối cùng đều hướng đến lợi ích kinh tế của chủ doanh nghiệp và các đơn vị trung gian.
Tìm hiểu nguyên nhân về thực trạng này, chúng tôi tiếp xúc với nhiều công nhân tại một số doanh nghiệp. Hầu hết họ đều mong muốn sẽ được công đoàn công ty trực tiếp tổ chức và quản lý bữa ăn. Tuy nhiên, trong số 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước hiện nay, không ít nơi chọn cách ký hợp đồng với một đơn vị độc lập bên ngoài để cung cấp thức ăn nấu sẵn cho công nhân.
Với cách làm này, công ty sẽ “rảnh rang” hơn nhưng lại không thể kiểm soát được chất lượng thực phẩm.
Các cơ sở chế biến bên ngoài thường chạy theo lợi nhuận, sẵn sàng nhập nguyên liệu bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc để chế biến thức ăn cho công nhân. Đây cũng chính là nguyên nhân xảy ra các vụ ngộ độc gây hậu quả đau lòng. Nhiều vụ ngộ độc sau khi xảy ra, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra mới phát hiện ra hàng tấn thực phẩm ôi thiu được đưa vào bữa ăn của công nhân nhiều năm mà chưa được phát hiện.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội cho biết nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong các khu công nghiệp luôn tiềm ẩn do nguồn nông, thủy sản được sản xuất tại Hà Nội chỉ đáp ứng được 60-65% nhu cầu tiêu thụ, 35-40% còn lại phụ thuộc vào nguồn từ bên ngoài đưa vào.
Trong khi đó, tình hình vận chuyển, buôn bán, sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn, việc kiểm soát thực phẩm không rõ nguồn gốc từ tỉnh khác vào Hà Nội còn diễn biến phức tạp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các ca ngộ độc thực phẩm đau lòng.
Tiết kiệm vì thu nhập quá thấp
Một nguyên nhân rất khách quan khác dẫn đến việc chất lượng bữa ăn ca không được đảm bảo lại chính từ phía người lao động. Thực tế tại nhiều doanh nghiệp, không ít trường hợp công nhân chỉ ăn trưa bằng một chiếc bánh mỳ hoặc một cặp lồng cơm toàn rau và lạc. Thậm chí, có người còn nhịn ăn do muốn tiết kiệm tiền để lo cho con cái học hành, bố mẹ ốm đau.
Theo khảo sát, mức lương trung bình của công nhân làm việc trong các khu công nghiệp chỉ khoảng 4.000.000-5.000.000 đồng/tháng trong khi phải chi phí quá nhiều cho các khoản tiền thuê nhà, ăn uống, dịch vụ điện nước...
"Lương được 4,5 triệu đồng/tháng nhưng tôi phải lo rất nhiều việc. Chồng tôi mất sớm, hai đứa con còn nhỏ trong khi bố mẹ lại già yếu. Buổi sáng, tôi thường ăn nhiều cơm rồi mới đi làm, trưa chỉ cần uống hai cốc nước lọc là được rồi, mình còn trẻ lại có sức khỏe, để dành tiền gửi về quê lo cho gia đình vẫn hơn,” chị Vũ Thị Thúy Hạnh, quê ở Nam Định, làm ở một doanh nghiệp tư nhân tâm sự.
Chị Hạnh và nhiều trường hợp tương tự thường làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty không tổ chức nấu ăn cho công nhân, cũng không đặt hàng đơn vị nào cung cấp. Họ cộng tiền ăn vào lương hàng tháng và để công nhân tự lo việc ăn uống.
Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia, cách làm này của công ty nghe qua thấy tốt và khách quan, nhưng thực chất lại là biểu hiện sự ích kỷ, vô trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động.
"Họ lý giải rằng, do không có mặt bằng để xây dựng nhà ăn, không có nhân lực, thậm chí họ đổ lỗi là do người lao động muốn vậy. Lý lẽ ấy của các doanh nghiệp không sai, nhưng đã vô tình đẩy công nhân vào tình cảnh cạn kiệt sức lao động. Chúng tôi rất bức xúc và không chấp nhận được cách làm này,” Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn Vũ Quang Thọ cho biết.
Đồng tình về việc khó khăn khi giải quyết thực trạng bữa ăn kém chất lượng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi họ phó mặc việc ăn uống cho công nhân, đại diện Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết để có thêm tiền trang trải cuộc sống, bản thân công nhân cũng chấp nhận suất ăn giá rẻ dù biết khó đảm bảo an toàn.
Nhiều doanh nghiệp chấp nhận tăng giá trị bữa ăn nhưng phải giảm lương, tuy nhiên công nhân không đồng ý phương án này. Đây cũng chính là vấn đề khó trong việc quản lý an toàn thực phẩm ở các bếp ăn trong khu công nghiệp hiện nay./.
Mối lo mất an toàn thực phẩm từ những bữa ăn ca cho công nhân