Theo trang mạng eastasiaforum.org, các doanh nghiệp đa quốc gia được sở hữu, kiểm soát hoặc có liên quan đến các chính phủ ước tính chiếm 25% trong bảng xếp hạng của 500 công ty, tập đoàn hàng đầu trên thế giới (Fortune Global 500).
Bên cạnh đó, sức ép cải cách quy định thương mại toàn cầu đối với các doanh nghiệp nhà nước (SOE) đang tăng lên. Tuy nhiên, những rạn nứt địa chính trị trong hệ thống thương mại toàn cầu có thể cản trở sự tiến bộ.
Nỗ lực thúc đẩy cải cách SOE đã có bước tiến triển khi Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp quốc tế (B20) thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ra một thông báo công khai trong tháng 10/2018.
Thông báo này ủng hộ “hạn chế đáng kể và/hoặc loại bỏ chính sách ưu đãi dành cho SOE." Để tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, B20 khuyến nghị rằng một cơ chế thương mại đa phương phải loại bỏ những tác động từ việc huy động vốn “tầm thường” cho đến việc giảm nợ và các hình thức khác của “hỗ trợ phi thương mại (hỗ trợ nhà nước)” bóp méo thị trường.
Những quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến SOE đã bỏ qua sự hỗ trợ nhà nước. Những quy định này yêu cầu việc khai báo SOE tồn tại ở trong nước và được đối xử như thế nào, bao gồm cả việc nhận hỗ trợ nhà nước. Tuy nhiên, việc tuân thủ những quy định này còn chậm.
Việc B20 kêu gọi phải có các quy định chặt chẽ hơn về SOE cho thấy một số nước mong muốn thu hẹp lỗ hổng quy định này. Ấn Độ ủng hộ bất kỳ nỗ lực nào của Nhật Bản cho các quy định SOE chặt chẽ hơn trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Tháng 9/2018, Hội nghị ba bên của các bộ trưởng thương mại Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị cần thông báo minh bạch hơn nữa về SOE và những cắt giảm lợi ích của SOE vốn đang bóp méo thị trường.
[G20 kỳ vọng tạo cơ hội giải quyết hàng loạt vấn đề quốc tế quan trọng]
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng nhằm mục đích áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn cho SOE. So với WTO, CPTPP định nghĩa SOE thông qua tiêu chí hẹp hơn, chẳng hạn như hơn 50% cổ phần kiểm soát/sở hữu của chính phủ.
Các quy định của CPTPP chỉ áp dụng cho những SOE kiếm hơn 200 triệu USD và bao gồm thương mại hàng hóa và dịch vụ. Trong khi CPTPP hạn chế hỗ trợ nhà nước cho các hoạt động và sản xuất hàng hóa của SOE ở nước ngoài, nó dành sự miễn trừ cho những tình trạng khẩn cấp và cung cấp hàng hóa công. Những quy định nghiêm ngặt đối với SOE có thể làm tổn hại đến sự phát triển ở nhiều nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, nơi SOE đóng vai trò quyết định trong tăng trưởng của khu vực.
Câu chuyện tăng trưởng của khu vực Đông Á sẽ rất khác nếu hỗ trợ nhà nước bị cấm. SOE tồn tại hầu như ở khắp mọi nơi, từ ngành dầu cọ của Malaysia cho tới ngành thép của Hàn Quốc.
Quy định mở rộng và chặt chẽ hơn đối với SOEs cũng có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ đối tác phát triển quốc tế, và phụ thuộc vào sự hỗ trợ nhà nước bị hạn chế như thế nào và những miễn trừ cho hoạt động của SOE ở nước ngoài được thực hiện ra sao.
Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ, SOE tiến hành gần 70% đầu tư và 95% xây dựng trong các dự án cơ sở hạ tầng dưới Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Thực tế, một số SOE tham gia sẽ không thiết thực mà không có sự hỗ trợ nhà nước, việc loại bỏ sự hỗ trợ này có thể sẽ để lại dấu hỏi về số phận của một số dự án phát triển trong BRI.
Rốt cục, việc cập nhật luật đa phương phải tìm kiếm một sự cân bằng giữa việc đáp ứng nhu cầu phát triển và giảm bớt những trở ngại thị trường. Nói cách khác, những nỗ lực củng cố hệ thống thương mại đa phương (từ B20 hay những nơi khác) sẽ chỉ làm xói mòn nó mà thôi.
Việc có được một sự cân bằng như vậy là khá khó khăn do:
Thứ nhất, rất khó xây dựng sự đồng thuận trong các thành viên có trình độ khác nhau và những lợi ích được thể hiện trong WTO. Ví dụ, Trung Quốc cho rằng nước này đã thiết lập một tính chất trung lập trong cạnh tranh (một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước).
Một số nước đang phát triển đã thực hiện các quy định cải cách SOE, chẳng hạn các thành viên CPTPP như Việt Nam, Malaysia, Brunei and Singapore. Nhưng sự cắt giảm đáng kể trong những hiệp định như vậy và không có các điều khoản về SOE trong nhiều hiệp định tự do thương mại khác cho thấy các nước đang phát triển nhìn chung không ủng hộ các quy định chặt chẽ về SOE.
Thứ hai, những căng thẳng thương mại, bao gồm tranh luận về SOE, sẽ giảm trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị Mỹ-Trung gia tăng. Lâu nay, người ta vẫn bất đồng về mô hình kinh tế nào - nhà nước hay chủ nghĩa tư bản tự do - nên tạo thành nền tảng của trật tự thương mại dựa trên luật lệ. Và bất kỳ hậu quả của những quy định SOE chặt chẽ cho BRI và cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng địa chiến lược dựa trên cơ sở hạ tầng sẽ là tác động phụ của cuộc xung đột của chủ nghĩ tư bản cũng như việc Trung Quốc trì hoãn đáp ứng những điều khoản, bao gồm việc khai báo về SOE và chuyển sang nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, trong khi sự tiến bộ đa phương có thể bị ngăn cản, các quy định về SOE trong các hiệp định đa phương và khu vực vẫn có thể được thắt chặt. Tác động kéo dài đối với Trung Quốc lúc đó có thể là gián tiếp. Việc sử dụng “các điều khoản thuốc độc” trong Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada và các hiệp định thương mại tương lai của Mỹ, không khuyến khích các nước tham gia hiệp định thương mại với các nền kinh tế phi thị trường như Trung Quốc, có thể gây áp lực với Bắc Kinh cải cách hơn nữa nếu không sẽ bị các đối tác thương mại cô lập.
Cuối cùng, việc ông Trump không chấp nhận thua cuộc có thể đưa ra thỏa hiệp cứng rắn hơn, trong khi những sức ép bên ngoài không ngớt có thể khiến những nhân vật cứng rắn ở Trung Quốc kháng cự trước những nỗ lực cải cách. Các quy định công bằng về SOE có thể đem lại lợi ích cho phát triển và cải thiện các thị trường. Nhưng việc thay đổi các quy định thương mại trong khi không giải quyết được các căng thẳng địa chính trị sẽ không thể đặt nền tảng cho một cơ chế thương mại toàn cầu ổn định và toàn diện.
Cuộc đối thoại lớn hơn giữa một số nền kinh tế lớn nhất của hệ thống thương mại đa phương là rất quan trọng cho tất cả các bên để đạt được một sự đồng thuận mới về thương mại./.