Vì sao hạt điều nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm dịch tại cảng

Từ năm 2013 đến nay, cơ quan kiểm dịch thực vật nhiều lần phát hiện các lô hàng điều nhập khẩu từ châu Phi bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật Việt Nam là mọt cứng đốt (Trogoderma SP).
Hạt điều tươi. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Hạt điều tươi. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, từ năm 2013 đến nay, cơ quan kiểm dịch thực vật nhiều lần phát hiện các lô hàng điều nhập khẩu từ châu Phi bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật Việt Nam là mọt cứng đốt (Trogoderma SP).

Đây là loại mọt nguy hiểm số 1. Tất cả các nước đều đưa loại mọt này vào danh sách kiểm dịch và kiểm soát rất chặt chẽ.

Trước việc Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) mới đây có công văn đến Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc tháo gỡ vướng mắc trong quy định kiểm tra hạt điều nhập khẩu từ châu Phi, theo ông Hoàng Trung, với tinh thần cải cách hành chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật và Cục đã có quy trình kiểm dịch thực vật rất thông thoáng.

Quá trình kiểm dịch với hàng nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới chỉ 4 tiếng là hoàn thiện, qua đường biển và sân bay là 10 tiếng.

Trước đây, đơn vị kiểm dịch cho phép doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều đến khai tại cảng, kiểm tra sơ bộ rồi đưa hàng về kho. Nhưng khi phát hiện đối tượng kiểm dịch, theo đúng quy định và thông lệ quốc tế thì phải kiểm tra trước khi cho phép vào lãnh thổ Việt Nam.

[T&T Group ký hợp đồng mua 50 nghìn tấn hạt điều của Bờ Biển Ngà]

Ông Hoàng Trung cho biết hiện nay, đơn vị kiểm dịch tiếp tục phát hiện đối tượng mọt cứng đốt nên không thể để doanh nghiệp đưa hàng về kho. Doanh nghiệp phải phối hợp với cơ quan kiểm dịch về việc này. Bởi nếu để lọt loại mọt này vào Việt Nam thì tương lai hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó.

Bên cạnh đó, chi phí để xử lý loại mọt này rất lớn.“Chúng ta phải đảm bảo lợi ích quốc gia, an toàn sản xuất trong nước là quan trọng nhất nên không thể làm cách khác,” ông Hoàng Trung nêu rõ.

Ông Hoàng Trung cũng cho biết thời gian tới, nếu trong quá trình kiểm tra kiểm soát, phối hợp với cơ quan kiểm dịch nước bạn làm tốt, sau khi kiểm tra 5-7 lô hàng hạt điều nhập khẩu không phát hiện đối tượng kiểm dịch thì hàng hóa sẽ được đưa về kho để tiến hành kiểm dịch, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Vì sao hạt điều nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm dịch tại cảng ảnh 1Chế biến hạt điều xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trước đó, Hiệp hội Điều Việt Nam đã có công văn đến Cục Bảo vệ thực vật và Chi cục kiểm dịch thực vật Vùng II (Cục Bảo vệ thực vật) xung quanh vấn đề tháo gỡ vướng mắc trong quy định kiểm tra hạt điều nhập khẩu từ châu Phi.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, hiện nay, cơ quan kiểm dịch thực vật đã yêu cầu tiến hành kiểm tra, lấy mẫu toàn bộ những lô hàng điều thô nhập khẩu có nguồn gốc từ châu Phi tại cảng, thay vì cho phép đưa về kho của doanh nghiệp như trước kia.

Trong bối cảnh toàn ngành điều gặp rất nhiều khó khăn năm 2019, việc thực hiện quy định trên đã gây trở ngại và tổn thất cho các doanh nghiệp chế biến và nhập khẩu điều thô.

Doanh nghiệp phải tăng thêm thời gian và chi phí cho việc nhận hàng hóa đồng thời phát sinh rất nhiều chi phí để phục vụ kiểm tra hàng hóa trong cảng. Các doanh nghiệp cũng phải bố trí nhiều nhân lực giám sát tại cảng, gây ách tắc hàng hóa tại cảng, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và toàn ngành.

Trước tình hình đó, Hiệp hội Điều Việt Nam đề nghị áp dụng lại quy trình lấy mẫu như đã áp dụng đối với hạt điều thô nhập khẩu như trước, cho phép doanh nghiệp được kiểm tra, lấy mẫu tại kho của doanh nghiệp theo hình thức kiểm tra nhanh, áp dụng đối với mặt hàng hạt điều./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.