Chiều 22/11, tại buổi họp báo Chính phủ chuyên đề về dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Khoa học-Công nghệ đã làm rõ hơn những quan tâm của các nhà báo liên quan đến việc dừng thực hiện dự án này. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định việc dừng dự án không phải vì lý do công nghệ mà do điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay.
Sử dụng hiệu quả các hạng mục, công trình đã triển khai
Thông tin về một số công việc đã triển khai liên quan đến dự án, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, theo báo cáo, hiện đã xây dựng một số hạng mục trong Dự án như: công tác giải phóng mặt bằng, hệ thống cung cấp điện trong quá trình thi công, khu nhà để phục vụ cho việc triển khai Dự án. Nước ta đã cử nhiều học sinh, sinh viên sang Nga, Nhật để đào tạo về điện hạt nhân phục vụ cho dự án này.
Những công việc đã triển khai cho dự án sẽ tiếp tục sử dụng, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của Ninh Thuận như hệ thống điện phục vụ cho thi công dự án sẽ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam bàn giao cho Tổng Công ty Điện lực 2, cụ thể là Công ty Điện lực Ninh Thuận để cung ứng điện cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận. Tòa nhà Ban quản lý Dự án điện hạt nhân sẽ được giao cho Ban quản lý Dự án Thủy điện chức năng Bắc Ái đang triển khai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Liên quan đến công tác đào tạo cán bộ, khoảng 400 học sinh, sinh viên sang Nga theo học các chương trình về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân. Trong thời gian tới, các sinh viên này sẽ tiếp tục chương trình đào tạo để hoàn thành tốt nghiệp. Những ngành nghề này không chỉ sử dụng cho mục tiêu vận hành các nhà máy điện hạt nhân, mà những sinh viên tài năng được cử đi đào tạo về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân sẽ phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học của đất nước, khai thác năng lượng nguyên tử cho những mục đích hòa bình. Ngoài ra, một số sinh viên tiếp tục được đào tạo để vận hành các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam.
Liên quan đến các công việc làm cùng đối tác Liên bang Nga, Nhật Bản, khi Quốc hội có Nghị quyết dừng Dự án, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, các cơ quan hữu quan tiếp tục làm việc với các đối tác hoàn tất các công việc còn dở dang trên tinh thần đảm bảo lợi ích các bên, đảm bảo hợp tác chiến lược, sâu rộng giữa Việt Nam và phía Liên bang Nga, Nhật Bản.
Đảm bảo an ninh năng lượng
Làm rõ hơn vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng, Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, nếu hai nhà máy điện hạt nhân tiếp tục được xây dựng, theo kế hoạch là đến năm 2028, tổ máy đầu tiên đi vào vận hành, đến 2030 dự kiến cả 4 tổ máy đi vào vận hành, tổng công suất là 4.000MW. Như vậy, đến năm 2030, công suất của các tổ máy này chỉ chiếm khoảng 3,6% công suất của hệ thống điện quốc gia và sản lượng điện chỉ khoảng 5,7% so với tổng sản lượng điện sản xuất của hệ thống điện quốc gia. Vai trò về sản lượng và công suất của hai nhà máy vào thời điểm 2030 là không lớn. Khi Quốc hội có Nghị quyết dừng dự án Nhà máy điện hạt nhân này, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương tính các phương án thay thế với mục tiêu trong mọi điều kiện phải đảm bảo an ninh cung ứng điện cho nhu cầu của đất nước.
Theo Thứ trưởng, hiện nay, bối cảnh về năng lượng đất nước ta cũng như thế giới đã khác xa so với bối cảnh năm 2008, 2009 khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 41/2009/QH12. Năng lượng tái tạo đã trở nên phổ biến hơn, giá cả cạnh tranh hơn. Hiện Việt Nam đang có chương trình khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể là năng lượng điện gió, năng lượng mặt trời. Từ nay đến năm 2030, với các chính sách của Chính phủ đã ban hành, công suất, sản lượng điện từ các nhà máy năng lượng tái tạo sẽ ngày càng lớn; đồng thời, tiếp tục triển khai các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, bằng khí, khí hóa lỏng. Với công nghệ hiện nay, kể cả khi triển khai các nhà máy điện chạy bằng than, vấn đề về môi trường vẫn giải quyết, đảm bảo được năng lượng đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 khi không phát triển điện hạt nhân nữa.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, công tác quy hoạch dự báo luôn là việc khó, để có thể dự báo chính xác cho một tầm nhìn dài hạn là khó, cho cả Việt Nam và thế giới. “Qua việc này, chúng ta có những bài học sâu sắc để nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ làm chính sách chiến lược, để có dự báo, hoạch định chính sách, chiến lược sát thực tế hơn,” Thứ trưởng Vượng bày tỏ.
Thứ trưởng này cũng cho rằng việc dừng dự án Nhà máy điện hạt nhân là quyết định rất khó khăn của Quốc hội, của Chính phủ, vì hai dự án này, tính từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 41 đến nay, đã đi được 7 năm, đã triển khai một số công việc quan trọng. Tuy nhiên, xuất phát từ điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam tại thời điểm hiện nay, Quốc hội thấy rằng việc dừng dự án để ưu tiên cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng khác là việc cần thiết.
“Đây là quyết định không dễ dàng gì nhưng chắc chắn đây là quyết định đúng đắn của Đảng, Quốc hội và Nhà nước để làm sao sử dụng một cách hiệu quả nhất nguồn lực,” Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Phạm Công Tạc cũng khẳng định việc dừng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận hoàn toàn không phải nguyên nhân là do lo ngại về vấn đề an toàn công nghệ điện hạt nhân của Nga và Nhật Bản. Kể từ khi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới hòa vào lưới điện năm 1954, đến nay, công nghệ điện hạt nhân của thế giới đã khác nhiều. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 lựa chọn công nghệ thế hệ 3+, Ninh Thuận 2 chưa lựa chọn nhưng nếu được đầu tư cũng là công nghệ hàng đầu trên thế giới. Liên bang Nga và Nhật là hai cường quốc về công nghệ điện hạt nhân, sở hữu những công nhệ tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới. Những nhà máy điện hạt nhân của Liên bang Nga trước năm 1990 đã được xây dựng ở rất nhiều nước trên thế giới như: Đức, Phần Lan… Sau năm 1990, Liên bang Nga đã và đang đàm phán xây dựng một loạt nhà máy điện hạt nhân.
“Chúng tôi có thể khẳng định là hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 nếu được đầu tư đều là những công nghệ hàng đầu trên thế giới hiện nay, tức là thế hệ 3+ và hoàn toàn rất an toàn, đáng tin cậy,” Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh.
Dừng dự án không ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Việt Nam có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản. Việt Nam hợp tác với Nga và Nhật Bản rất toàn diện, trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh... Trước khi Quốc hội bỏ phiếu dừng Dự án điện hạt nhân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các bộ, ngành đã sang trực tiếp gặp gỡ Chính phủ Liên bang Nga và Nhật Bản để có thông báo, đặt vấn đề để phía Nga và Nhật Bản cảm thông trong điều kiện kinh tế hiện nay của Việt Nam, nếu không tính kỹ, dồn tiền lại đầu tư hai dự án này sẽ không thực hiện được mục tiêu đặt ra của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là làm được tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Nếu đi vay để thực hiện Dự án điện hạt nhân thì cũng không có khả năng trả. Trong tái cơ cấu kinh tế, Việt Nam sẽ tập trung dồn nguồn lực cho những việc lớn tạo cơ sở cho tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều kiện Việt Nam đã cân đối, đảm bảo được nguồn điện, cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở mang tính kết nối đồng bộ như tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh đây là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Việc Việt Nam quyết định dừng Dự án điện hạt nhân không ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và phía Liên bang Nga, Nhật Bản. Khi sang thông báo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhận được sự cảm thông sâu sắc của Chính phủ Liên bang Nga và Nhật Bản trước những lý do chính đáng của phía Việt Nam khi quyết định dừng Dự án điện hạt nhân này./.