Theo báo Độc lập của Nga, các nhà đầu tư Mỹ chấp nhận đầu tư vào nền kinh tế cạnh tranh của Trung Quốc, bất chấp nỗ lực của Washington nhằm kiềm chế nước này và bất chấp lệnh cấm giao dịch cổ phiếu của Bắc Kinh.
Theo đó, đầu tư gián tiếp của Mỹ vào các doanh nghiệp Trung Quốc có thể cao gấp 5 lần so với tính toán của các cơ quan tài chính Mỹ.
Các chuyên gia báo Độc lập đã giải thích nguyên nhân thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tăng bất chấp các cuộc chiến thuế quan.
Sự khác biệt giữa số liệu thống kê và thực tế
Trên thực tế, các khoản đầu tư lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc cao hơn nhiều so với số liệu thống kê chính thức.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu và phân tích Rhodium Group, các nhà đầu tư Mỹ nắm giữ 1.200 tỷ USD cổ phiếu và trái phiếu của các công ty Trung Quốc tính đến cuối năm 2020, cao gấp 5 lần số liệu chính thức của Bộ Tài chính Mỹ.
Và các khoản đầu tư của Trung Quốc vào chứng khoán Mỹ tính đến cùng thời điểm là 2.100 tỷ USD, cao hơn 36% so với số liệu chính thức.
Chuyên gia Adam Lysenko thuộc Rhodium Group, công ty soạn thảo báo cáo được Ủy ban Quốc gia Quan hệ Mỹ-Trung công bố, cho rằng nếu lãnh đạo (hai nước) tiếp tục gia tăng rạn nứt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, thì nhiều người sẽ mất rất nhiều.
Theo quan điểm của ông, nếu các hạn chế chính trị được nới lỏng, tổng danh mục đầu tư của hai nước sẽ có thể lên tới hơn 9.000 tỷ USD, tức là gấp 3 lần mức hiện tại.
Sự chênh lệch với số liệu thống kê chính thức được giải thích là do các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng những cấu trúc pháp lý phức tạp để phát hành cổ phiếu thông qua các thiên đường thuế, và sau đó các chứng khoán này được giao dịch trên các sàn giao dịch Mỹ.
Chênh lệch trong đầu tư này của Mỹ chủ yếu là do việc phân loại chưa chính xác các khoản đầu tư cổ phiếu do nhà đầu tư tìm cách lách các biện pháp kiểm soát vốn của Bắc Kinh hoặc sử dụng Hong Kong (Trung Quốc) làm nơi trung gian đầu tư.
Sự mất cân bằng tiếp tục gia tăng
Mối quan hệ không êm ả giữa hai “gã khổng lồ” kinh tế đã không ngăn cản họ gia tăng thương mại song phương.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại song phương với Mỹ tính đến cuối năm 2020 đạt 586,7 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2019.
Xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ tăng 7,9% đạt 451,8 tỷ USD, trong khi Mỹ bán được 134,9 tỷ USD hàng hóa cho Trung Quốc, tăng 9,8%.
Tuy nhiên, theo phân tích của Viện Kinh tế Thế giới Peterson, Trung Quốc chỉ đảm bảo được 58% số sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ so với mục tiêu đặt ra.
Theo thỏa thuận, Trung Quốc đồng ý tăng mua các sản phẩm của Mỹ lên 76,7 tỷ USD trong năm 2020 và 123,3 tỷ USD năm 2021.
Sự mất cân bằng trong cán cân thương mại Mỹ-Trung tiếp tục gia tăng. Vitaly Mankevich, Chủ tịch Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga-châu Á (RASPP), cho biết thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc trong năm 2020 lên tới 316,9 tỷ USD, cao hơn 7,1% so với năm 2020.
“Điều này nói lên một số điểm. Thứ nhất, đại dịch có tác động nghiêm trọng. Nhập khẩu vật tư y tế từ Trung Quốc của Mỹ bất ngờ tăng mạnh, và kế hoạch cho các hạng mục khác không được thực hiện là chỉ một phần. Trên thực tế, kim ngạch nhập khẩu nông sản từ Mỹ của Trung Quốc chỉ đạt 23,5 tỷ USD so với 36,6 tỷ USD theo kế hoạch (tương đương 64% kế hoạch), nhập khẩu hàng công nghiệp là 66,7 tỷ USD so với kế hoạch 111,2 tỷ USD, hàng năng lượng - 9,8 tỷ USD so với 25,3 tỷ USD. Đối với các mặt hàng khác không nằm trong thỏa thuận, Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ lên tới 35 tỷ USD, ít hơn 23% so với năm 2017,” chuyên gia này phân tích.
Kết quả chính thức của việc Trung Quốc thực hiện giai đoạn đầu của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sẽ được tổng hợp trong các cuộc đàm phán vào tháng Hai, vốn thường được tổ chức sáu tháng một lần.
Do thực tế Mỹ có Tổng thống mới, dự kiến một ngày trước đó toàn bộ kết quả của "cuộc chiến thương mại" do Chính quyền ông Trump phát động sẽ được xem xét.
[Nhà Trắng sẽ xem xét lại thỏa thuận Giai đoạn 1 với Trung Quốc]
Là một phần trong chính sách ngăn chặn toàn diện Trung Quốc, Washington đã áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 370 tỷ USD.
Theo Reuters, các mức thuế này đã khiến các nhà nhập khẩu Mỹ thiệt hại 71,6 tỷ USD kể từ đầu tháng 7/2018, vì phải phá vỡ chuỗi cung ứng. Đồng thời, giá cổ phiếu của các công ty này trên thị trường chứng khoán cũng sụt giảm.
Trong khi đó, lợi nhuận của các trang trại Mỹ vào mùa Thu ở mức cao nhất trong 7 năm qua.
Theo Bloomberg, Trung Quốc đã mua 11,2 triệu tấn ngô Mỹ trong vụ vừa qua, gấp 13 lần so với trước khi xảy ra căng thẳng.
Ngoài ra, Trung Quốc mua gần 30 triệu tấn đậu tương của Mỹ và đây là khối lượng lớn nhất kể từ năm 1991.
Sau lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã thông báo khả năng duy trì thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc.
Theo bà Psaki, tân Tổng thống Biden cam kết ngăn chặn các vụ lạm dụng kinh tế của Trung Quốc trên nhiều mặt.
Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố rằng lựa chọn đúng đắn duy nhất của Mỹ là hợp tác với Trung Quốc (như lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên).
Chuyên gia Mankevich bình luận: “Hệ lụy quan trọng nhất của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là việc Mỹ nhận thức được mối đe dọa hiện hữu từ Trung Quốc, cũng như việc Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu để giành vị trí của mình và bảo vệ lợi ích kinh tế và chính trị của họ. Một kết luận quan trọng khác đó là chiến tranh kinh tế Mỹ-Trung là cuộc chiến tranh giành vị thế, không phải là cuộc chiến chớp nhoáng mà ông Donald Trump muốn thực hiện.
Chính quyền ông Biden có thể tái khởi động quan hệ với Trung Quốc, nhưng quá trình trung hạn nhằm gây sức ép với Trung Quốc thông qua hệ thống thể chế quốc tế và thông qua các cuộc đấu tranh chính trị ở các nước thế giới thứ ba sẽ tiếp tục. Tăng trưởng thương mại và đầu tư song phương là kết quả những lợi ích kinh tế của mối quan hệ đối tác đó.
Trong bối cảnh đó, hợp tác giữa nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ hai trên thế giới không thể bị cấm cưỡng bức mà sẽ tiếp tục, miễn là mang lại một tỷ suất sinh lời phù hợp. Hợp tác sẽ chỉ giảm nếu tỷ suất lợi nhuận trở nên thấp hơn.”
Chuyên gia này liên hệ sự tăng trưởng hiện nay của các khoản đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc với thực tế như sau:
Thứ nhất, Trung Quốc đã thoát khỏi đại dịch sớm hơn các nước khác, điều này khiến Trung Quốc trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp.
Thứ hai, rất nhiều tiền đã được in ra trên thế giới, một số đã chảy vào thị trường chứng khoán Trung Quốc, nơi có động lực tốt hơn do lợi nhuận doanh nghiệp tích cực hơn vào năm 2020.
Theo chuyên gia Mankevich, số tiền này sẽ quay về quê hương một phần trong nửa cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu triệt tiêu thanh khoản dư thừa, và các công ty Mỹ có báo cáo tích cực và tăng trưởng lợi nhuận phục hồi.
Thực chất đây chỉ là nguồn vốn đầu cơ thuần túy nên không cần tìm hiểu sâu./.