Vì sao nhiều nước châu Phi chưa “mặn mà” với gói cứu trợ?

Mục tiêu của gói cứu trợ theo thỏa thuận với các bên cho vay lớn nhất thế giới là giải phóng hơn 20 tỷ USD nhằm giúp chính phủ các nước đi vay có thể sử dụng để tăng cường dịch vụ y tế.
Người dân nhận thức ăn cứu trợ tại Johannesburg, Nam Phi ngày 5/6 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân nhận thức ăn cứu trợ tại Johannesburg, Nam Phi ngày 5/6 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang Đối thoại (theconversation.com) mới đây đăng bài phân tích của Misheck Mutize - nghiên cứu viên sau đại học thuộc Trường Sau đại học về kinh doanh (GSB), Đại học Cape Town (Nam Phi), đồng thời là chuyên gia tư vấn hàng đầu của Cơ chế đánh giá đối đẳng (APRM) thuộc Liên minh châu Phi - về nguyên nhân khiến nhiều nước châu Phi chưa thực sự “mặn mà” với các chương trình giảm xóa nợ của các thể chế đa phương, dù các nước này đang gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính.

Theo nhóm tác giả, các bên cho vay lớn nhất thế giới đã chấp thuận gói cứu trợ dành cho hơn 25 nước châu Phi, với sự tham gia của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) và tất cả các chủ nợ của Câu lạc bộ Paris.

Mục tiêu của gói cứu trợ theo thỏa thuận nói trên là giải phóng hơn 20 tỷ USD nhằm giúp chính phủ các nước đi vay có thể sử dụng để tăng cường dịch vụ y tế.

Một số người kêu gọi xóa nợ hoàn toàn để giảm bớt gánh nặng nợ cho các nước châu Phi trong bối cảnh khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra, bởi hầu hết các nước châu Phi sẽ ở trong tình trạng nợ công cao khi buộc phải huy động tất cả các dòng tín dụng có sẵn để đảm bảo nguồn lực phòng chống COVID-19.

Tuy nhiên, đến nay, các chủ nợ tư nhân nắm giữ những khoản nợ thương mại không sẵn sàng tham gia giảm nợ, và chỉ trích kêu gọi của G20 về việc đóng băng tất cả các khoản nợ.

Trong khi đó, các quốc gia phát hành trái phiếu Eurobond ra thị trường cũng đang phải trả giá với lãi suất cao. Lợi suất trái phiếu đã tăng gấp đôi chi phí với hầu hết các quốc gia có ý định phát hành Eurobond.

Trong số 25 nước châu Phi đủ điều kiện để được cứu trợ nợ, chỉ có 4 nước yêu cầu hỗ trợ gồm Cameroon, Bờ Biển Ngà, Ethiopia và Senegal. Đa số những nước còn lại từ chối hoặc chưa yêu cầu cứu trợ nợ.

Tuy nhiên, không khó để nhận ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Các quốc gia có thu nhập thấp nhận thức được rằng các thị trường nợ phần lớn không thuận lợi với nhóm nước này. Các nước này cũng nhận thức được nguy cơ bị trừng phạt bởi các chủ nợ hiện tại, các nhà đầu tư tiềm năng và các cơ quan xếp hạng nếu họ tìm kiếm gói cứu trợ nợ.

Nguy cơ bị hạ xếp hạng tín nhiệm

Nhiều quốc gia chưa công khai từ chối đề nghị tham gia vào chương trình giảm xóa nợ. Trong khi đó, Kenya đã công khai bày tỏ sự thiếu quan tâm đối với đề nghị cứu trợ của các thể chế đa phương nói trên.

Dưới đây là một số lý do khiến nhiều nước châu Phi chưa mặn mà với gói cứu trợ đa phương.

[Châu Phi cần nhận thức giá trị để tự quyết định tương lai]

Thứ nhất, tồn tại định kiến mang tính ngầm định rằng các quốc gia đang yêu cầu đình chỉ nợ đã vay một cách vô trách nhiệm. Do đó, những nước này sẽ bị coi là những bên đi vay có rủi ro cao và vô trách nhiệm trong tương lai.

Thứ hai, các quốc gia tham gia gói cứu trợ sẽ vi phạm các điều khoản của hợp đồng Eurobond mà họ hiện đang nắm giữ. Bản cáo bạch và điều khoản hợp đồng của Eurobond cấm các quốc gia tìm cách đình chỉ thanh toán nợ theo các sáng kiến đa phương.

Các điều khoản mặc định của Eurobond quy định việc không thanh toán nợ nước ngoài, bao gồm cả việc tìm kiếm cứu trợ nợ, sẽ bị coi là vỡ nợ. Điều này sẽ tự động kích hoạt yêu cầu lập tức đối với các quốc gia đã phát hành Eurobond phải thanh toán toàn bộ giá trị của các trái phiếu Eurobond chưa thanh toán.

Thứ ba, các chính phủ lo ngại rằng việc cứu trợ nợ sẽ khiến họ bị hạ xếp hạng tín nhiệm bởi các điều khoản vỡ nợ theo thỏa thuận phát hành Eurobond. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ mức xếp hạng của Cameroon, Côte d'Ivoire, Senegal và Ethiopia vì 4 nước này tham gia Sáng kiến đình chỉ dịch vụ nợ G20 (DSSI).

Việc bị hạ xếp hạng tín nhiệm sẽ làm xói mòn các lợi ích đạt được từ việc giảm nợ, bởi các quốc gia sẽ phải trả lãi nhiều hơn cho cùng một khối lượng nợ.

Liên hợp quốc đã chỉ trích các cơ quan xếp hạng bởi động thái trên sẽ làm trầm trọng thêm tính bền vững của nợ ở các nước nghèo. Gói cứu trợ nợ dự kiến sẽ giải phóng tổng cộng khoảng 20 tỷ USD, tương đương với số tiền phải trả lãi và trả gốc trong vòng 6 tháng cho các chủ nợ tư nhân.

Cùng với đó, động thái này cũng sẽ khiến các nước gặp khó khăn hơn về khả năng bù đắp thâm hụt ngân sách trong trung hạn thông qua việc tiếp cận thị trường vốn toàn cầu.

Trong bối cảnh đại dịch sẽ làm tăng chi tiêu ngân sách, việc thu thuế và nguồn thu khác giảm, dẫn đến thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên. Trong bối cảnh đó, đối với các nước châu Phi, việc tiếp cận vốn toàn cầu sẽ là chìa khóa để phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19.

Cuối cùng, nhiều nhà phân tích quan ngại rằng điều khoản của các gói giảm nợ và cho vay đa phương sẽ hạn chế định hướng chính sách trong tương lai. Gói cứu trợ nợ được phê chuẩn với điều kiện là nguồn tài chính có được sẽ chỉ được chi cho các dịch vụ công quan trọng.

Các điều kiện khác bao gồm tuân thủ các chính sách hiện hành, yêu cầu báo cáo giải trình, giám sát đa phương và minh bạch. Các quốc gia nằm trong chương trình giảm nợ không được phép phát sinh nợ từ bất kỳ chủ nợ nào khác trong thời gian này và họ chỉ được sử dụng tiền tiết kiệm để giải quyết các cú sốc từ đại dịch.

Vì sao nhiều nước châu Phi chưa “mặn mà” với gói cứu trợ? ảnh 1(Nguồn: AFP)

WB đã đưa ra các phản ứng chính sách tài khóa tùy chỉnh để hỗ trợ việc vượt qua khủng hoảng trong ngắn hạn và phục hồi kinh tế trong trung hạn cho các quốc gia nhận được cứu trợ.

Nguồn tài chính có được từ các khoản vay của IMF và quỹ đình chỉ nợ G20 sẽ không được sử dụng để trả lãi cao đối với bên cho vay tư nhân. Những điều kiện này hạn chế cả không gian tài chính của quốc gia và tính linh hoạt của chính sách.

Các giải pháp

Mục đích chính của việc duy trì xếp hạng tín nhiệm tốt là để truy cập vào các quỹ quốc tế với lãi suất tương đối thấp. Đối với các nước châu Phi, phát hành Eurobond là một lựa chọn hấp dẫn hơn so với vay đa phương truyền thống vốn thường kèm theo những điều kiện hạn chế.

Trong tất cả các hợp đồng Eurobond hiện tại, các quốc gia được coi là ở trong tình trạng vỡ nợ nếu nước đó không còn là thành viên của IMF hoặc không còn đủ điều kiện sử dụng nguồn lực của thể chế Bretton Woods.

Khi các điều khoản của hợp đồng Eurobond có mức hạn chế tương đương và lợi tức trái phiếu trở nên cao hơn, ý nghĩa của việc phát hành trái phiếu nhằm đa dạng hóa từ các khoản vay đa phương sẽ không còn nhiều.

Vậy, các nước châu Phi cần làm gì trong bối cảnh hiện nay? Trước tiên, những quốc gia có khả năng không cần tiếp nhận gói cứu trợ nợ thực hiện theo hướng đó để tránh làm mất niềm tin của nhà đầu tư trong tương lai. Lợi ích ròng của chi phí đi vay thấp sẽ tích lũy trong dài hạn.

Các nước không nên gây áp lực buộc các chủ nợ tư nhân phải chấp nhận thỏa thuận giảm nợ cho khoản nợ thương mại phát sinh thông qua các điều kiện thị trường và nguyên tắc cơ bản mà cần tôn trọng các giao ước Eurobond hiện tại để duy trì uy tín và tính toàn vẹn của những chủ thể đi vay có chủ quyền châu Phi.

Thứ hai, các quốc gia đang đối mặt với những thách thức trả nợ nên thận trọng khi tiếp cận các cuộc đàm phán với chủ nợ thương mại. Cụ thể, những nước này cần đảm bảo sẽ bảo vệ xếp hạng tín nhiệm và tránh vỡ nợ.

Cuối cùng, tình trạng hiện nay sẽ mang lại những bài học cho các chính phủ châu Phi để đàm phán về lãi suất cạnh tranh và chỉ chấp nhận giá thầu thuận lợi trong quá trình phát hành Eurobond. Việc các nước châu Phi phát hành Eurobond quá mức chắc chắn không phải là dấu hiệu của sự hấp dẫn, đồng thời phản ánh chi phí quá cao của các công cụ ban hành.

Các chính phủ nên kiểm soát quá trình phát hành trái phiếu để cấu trúc trái phiếu với các điều khoản thuận lợi.

Quá trình này không nên hoàn toàn ủy thác cho các chủ ngân hàng đầu tư-những người có động cơ lợi nhuận và nhận được những khoản hoa hồng lớn từ chênh lệch. Điều này sẽ làm giảm bớt các điều khoản hạn chế chính sách và gánh nặng lãi suất cao trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.