Từ văn phòng tầng ba ở phía Đông thủ đô Baghdad, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar có thể quan sát thấy những người biểu tình ồn ào bên dưới khi họ diễu hành về phía Quảng trường Tahrir, trung tâm biểu tượng của các cuộc biểu tình gần đây tại Iraq.
Đầu tuần này, hàng nghìn người Iraq mang theo cờ tổ quốc tụ tập tại quảng trường. Danh sách những bất bình của người biểu tình ngày một dài hơn, từ các chính trị gia tham nhũng, tình trạng mất điện triền miên, bệnh viện xuống cấp, đường sá đổ nát cho tới tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Iraq có thể là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, song nền kinh tế của quốc gia này đang đứng bên bờ sụp đổ sau khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 làm giảm mạnh nhu cầu năng lượng toàn cầu và khiến giá dầu tụt dốc mạnh.
Tình hình tài chính của Iraq hiện trong tình cảnh rất tồi tệ nên chính phủ không thể trả lương đúng hạn cho giáo viên và công chức. Điều này có nguy cơ đẩy đất nước quay trở lại thời kỳ bất ổn hồi năm ngoái khi hàng trăm người biểu tình thiệt mạng và Chính phủ Iraq phải từ chức.
Điều đó đã tạo ra tình thế “tiến thoái lưỡng nan” đối với Chính phủ Iraq, giữa một bên là yêu cầu tăng sản lượng dầu mỏ của người dân và một bên là những cam kết của nước này đối với các đồng minh trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Liên minh các nhà sản xuất dầu mỏ này đang cố gắng củng cố thị trường mong manh bằng cách hạn chế nguồn cung, và họ cần các nhà sản xuất lớn như Iraq cùng tham gia. Đối với Baghdad, việc hạn chế nguồn cung dầu thô đem lại những thiệt hại lớn về kinh tế, song nếu không thực thi đầy đủ cam kết của mình thì cũng đầy rủi ro. Điều đó đồng nghĩa với việc giảm giá năng lượng cho mọi người dân.
[Bộ trưởng Ali Allawi: Iraq cần cải cách khẩn cấp để tránh khủng hoảng]
Không ít người dân Iraq muốn chính phủ sản xuất thêm dầu mỏ, động thái có thể làm chệch hướng thỏa thuận cắt giảm sản lượng vốn từng khiến OPEC và các đối tác (nhóm OPEC+) mất nhiều công sức để đạt được. Nếu một nhà sản xuất quan trọng như Iraq không tuân thủ đầy đủ thỏa thuận, sẽ rất khó để ngăn những nhà sản xuất nhỏ hơn thực hiện điều tương tự.
Ziyad Al-Mustansir, một giáo viên trung học 44 tuổi ở Baghdad, cho biết: “Tôi đã phải chờ hơn 45 ngày để nhận được tiền lương hàng tháng của mình. Chính phủ lẽ ra phải quan tâm đến lợi ích của đất nước khi gia nhập OPEC. Nếu những thỏa thuận với OPEC đồng nghĩa với gây ra tổn thất cho đất nước, Iraq không nên tham gia vào đó."
Theo một thỏa thuận đạt được hồi tháng Tư năm nay giữa Iraq và các thành viên khác trong OPEC+, Baghdad phải cắt giảm sản lượng dầu mỏ 1 triệu thùng/ngày (trị giá khoảng 40 triệu USD) xuống mức 3,6 triệu thùng/ngày. Ý tưởng được đưa ra là cắt giảm nguồn cung sẽ kéo giá dầu thô tăng đủ cao để bù đắp cho mức hạn chế sản lượng.
Mặc dù giá “vàng đen” đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi thỏa thuận được ký kết, lên ngưỡng 40 USD/thùng, song con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức mà Iraq cần để tài trợ ngân sách. Ước tính, thu ngân sách hàng tháng của chính phủ Iraq hiện ở mức 3 tỷ USD, tức là thấp hơn một nửa so với năm 2019.
Iraq đã nhiều lần vi phạm giới hạn sản lượng và khiến hai nhà lãnh đạo chủ chốt của OPEC+, Saudi Arabia và Nga, cảm thấy không hài lòng. Đặc biệt, điều khiến liên minh dầu mỏ này lo ngại nhất là kịch bản Baghdad bắt đầu xuất khẩu nhiều “vàng đen” hơn ra thị trường để tăng thu ngân sách do gặp khó khăn tài chính. Mặc dù các quan chức Iraq đã nhiều lần tuyên bố rằng họ cam kết tuân thủ thỏa thuận OPEC+ và sẽ bù đắp cho mức vượt sản lượng, song sau những lần vi phạm trước đó, thị trường đang theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu về khả năng Iraq sẽ lại vượt qua giới hạn sản lượng một lần nữa.
Giám đốc điều hành bộ phận Trung Đông của hãng quản lý tài sản Nomura Asset Management, Tarek Fadlallah nhận định OPEC+ sẽ ngày càng khó khăn hơn để duy trì mức tuân thủ hạn ngạch khi các quốc gia, đặc biệt là Iraq, và trở nên tuyệt vọng hơn với mức giá dầu thấp.
Trên thực tế, tất cả các quốc gia trong OPEC+ đều bị ảnh hưởng từ sự sụp đổ của giá dầu mỏ. Đồng ruble của Nga đã mất gần 1/5 giá trị, trong khi Saudi Arabia phải tăng gấp ba lần thuế giá trị gia tăng (VAT) để bù đắp cho thu nhập từ dầu mỏ giảm dần.
Tuy nhiên, tại Iraq, nơi “vàng đen” chiếm gần như toàn bộ nguồn thu của chính phủ, vị thế của quốc gia này đang ở tình cảnh tồi tệ nhất.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Iraq sẽ sụt giảm 12% trong năm nay, mức suy giảm kinh tế lớn hơn bất kỳ thành viên OPEC nào khác.
Kể từ khi Mỹ can thiệp quân sự vào Iraq năm 2003 để lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein, Iraq đã rơi vào tình cảnh hỗn loạn nghiêm trọng, khi xung đột trong nước bùng phát, bên cạnh các cuộc nổi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất tại Iraq đang gây chia rẽ giữa các nhà lập pháp và Thủ tướng Mustafa Al-Kadhimi, người chỉ đảm nhiệm cương vị này hồi tháng 5/2020. Chính quyền Iraq thông báo không thể trả lương cho khoảng 7 triệu công chức nhà nước và người hưu trí vào tháng 11 tới trừ khi Quốc hội thông qua dự luật cho phép chính phủ vay thêm 35 tỷ USD.
Trong khi đó, nhóm chính trị gia đối lập cho rằng gánh nặng nợ của Iraq đã quá lớn và giới lãnh đạo đất nước không còn được tin tưởng nữa. Lợi suất trái phiếu bằng đồng USD của Iraq đã tăng gần 300 điểm cơ bản kể từ đầu tháng Chín, một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang lo lắng đối với tình hình tại Iraq.
Với lãi suất trên 10%, lợi tức trái phiếu của Iraq hiện đang ở mức cao nhất ở khu vực Trung Đông. Mohammad Saheb Al-Darraji, thành viên ủy ban tài chính của Quốc hội Iraq cho rằng: “Tiếp tục vay nợ có thể dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống kinh tế quốc gia."
Trước đó, Thủ tướng Kadhimi đã đến Pháp, Đức và Anh trong tháng này để cố gắng thu hút thêm đầu tư từ các doanh nghiệp dầu khí nước ngoài. Iraq cũng đang phải vật lộn để kiềm chế lực lượng dân quân được nước láng giềng Iran hậu thuẫn. Iraq hiện là một điểm nóng trong cuộc chiến ủy nhiệm giữa Cộng hòa Hồi giáo Iran và Mỹ, trong bối cảnh Washington đã đe dọa đóng cửa đại sứ quán ở Baghdad trừ khi Chính phủ Iraq ngăn chặn lực lượng dân quân tiến hành các hoạt động tấn công bằng rocket nhằm vào cơ sở của Mỹ.
Trong khi đó, tình trạng phong tỏa để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp trên khắp đất nước bị tổn thương. Tỷ lệ thất nghiệp tại Iraq hiện đã tăng lên mức 14%. Vì vậy, các cuộc biểu tình phản đối chính phủ thời gian qua thực sự là một phép thử đối với Thủ tướng Kadhimi, vốn đã cố gắng thể hiện bản thân là người đấu tranh cho các yêu cầu của người biểu tình. Chỉ một năm trước, các cuộc biểu tình lớn đã buộc người tiền nhiệm của ông, Adil Abd Al-Mahdi, phải từ chức.
Là một trong năm thành viên sáng lập OPEC, khi tổ chức dầu mỏ này được thành lập ở Baghdad năm 1960, Iraq khó có thể rời bỏ liên minh này. Nếu điều đó xảy ra, Saudi Arabia có thể trả đũa Iraq bằng cách tăng sản lượng và khiến giá dầu giảm thấp hơn nữa. Thay vào đó, một nguồn tin cho biết, Iraq có thể gây sức ép và đề nghị Saudi Arabia hỗ trợ tài chính nếu giá dầu thô duy trì dưới ngưỡng 45 USD/thùng trong nửa đầu năm 2021.
Ông Jabbar Al-Luaibi, người từng giữ cương vị Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq giai đoạn năm 2016-2018, cho rằng tình trạng kinh tế nước này đang rất khó khăn và Baghdad đã phải chi hàng chục tỷ USD trong cuộc chiến chống lại IS từ năm 2014-2017.
Theo cựu quan chức dầu mỏ này, Iraq không muốn làm ảnh hưởng đến chính sách của OPEC, song các thành viên của liên minh dầu mỏ này cần phải cân nhắc với tình thế khó khăn của Iraq hiện nay.
Về phần mình, Saudi Arabia lo ngại rằng việc ưu đãi đặc quyền cho một quốc gia có thể khiến những thành viên khác trong OPEC+ đòi hỏi điều tương tự và Riyadh không muốn tạo ra tiền lệ. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu các thành viên tuân thủ hoàn toàn mức cắt giảm sản lượng.
OPEC+ có kế hoạch nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng kể từ tháng 1/2021. Tuy nhiên, những áp lực đối với giá dầu trước rủi ro của làn sóng COVID-19 mới và sản lượng gia tăng ở Libya, liên minh dầu mỏ này có thể phải trì hoãn kế hoạch trên.
Như vậy, OPEC sẽ đối mặt với thách thức rất lớn trong việc thuyết phục các nước thành viên tiếp tục tuân thủ thỏa thuận. Điều này càng trở nên khó khăn nếu các biện pháp hạn chế sản lượng được áp dụng lâu hơn./.