Vị thế trung tâm kinh tế của Hong Kong đang có nguy cơ lung lay

Từng là một trong “bốn con hổ châu Á” cùng với Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Singapore, sức mạnh kinh tế của Hong Kong hiện đang bị lu mờ bởi nền kinh tế tăng trưởng nhanh của Trung Quốc đại lục.
Toàn cảnh Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Suốt hàng chục năm nay, Hong Kong vẫn là trung tâm kinh tế của châu Á, nhưng điều này dường như đang thay đổi trước những động thái mới của Trung Quốc đối với Khu hành chính đặc biệt này.

Đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài đến và đi từ Hong Kong lên đến 4.000 tỷ USD, tức gấp hơn hai lần đầu tư giữa Trung Quốc và các nước khác. Nếu dòng vốn này bị gián đoạn do tình trạng bất ổn hiện tại, điều này sẽ đặt ra một nguy cơ không mong đợi cho nền kinh tế thế giới.

Trước những đồn đoán rằng chính sách neo đồng đô la Hong Kong (HKD) với đồng USD sẽ được xem xét lại, người dân bắt đầu đổ xô đi đổi đồng HKD sang đồng USD. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người dân Hong Kong chuẩn bị rời khỏi thành phố này.

Nếu dòng chảy cả về người và vốn ra khỏi Hong Kong gia tăng, sự sụt giảm trong vị thế là trung tâm kinh tế của thành phố là không thể tránh khỏi.

[Kinh tế Hong Kong có nguy cơ chìm sâu vào suy thoái trong quý 2]

Đã từng là một trong “bốn con hổ châu Á” cùng với Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Singapore, sức mạnh kinh tế của Hong Kong hiện đang bị lu mờ bởi nền kinh tế tăng trưởng nhanh của Trung Quốc đại lục.

Ngày nay Hong Kong chiếm chưa đến 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, giảm mạnh so với thời kỳ đỉnh điểm 24% trước năm 1997. Quy mô kinh tế hiện tại của Hong Kong còn nhỏ hơn Thượng Hải, Bắc Kinh hay Thâm Quyến.

Nhưng Hong Kong vẫn là một trung tâm tài chính với một thị trường vốn tự do. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tính đến cuối năm 2018 và đầu tư gián tiếp nước ngoài tính đến tháng 6/2019 giữa Hong Kong và phần còn lại của thế giới đạt 4.000 tỷ USD, tăng khoảng 30% so với cuối năm 2015 và cao hơn con số 3.300 tỷ USD của Trung Quốc đại lục. Con số này cũng gấp 11 lần GDP chưa đến 400 tỷ USD của Hong Kong.

Trung Quốc đại lục hạn chế đầu tư xuyên biên giới với chính sách kiểm soát vốn nghiêm ngặt. Tuy nhiên, khoảng 1.000 tỷ USD vẫn chảy giữa đại lục và Hong Kong.

Nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc và các nước khác trên thế giới đang đẩy mạnh đầu tư thông qua Hong Kong. Nếu vai trò trung tâm tài chính của thành phố này suy yếu, dòng vốn nói trên cũng sẽ bị cản trở.

Trong dài hạn, Trung Quốc đại lục có thể bị ảnh hưởng nếu vị thế trung tâm tài chính của Hong Kong suy yếu, vì ngày càng có nhiều công ty ở đại lục tận dụng Hong Kong như một bước đệm để hoạt động ở nước ngoài.

Theo chính quyền Hong Kong, số công ty của Trung Quốc đại lục có trụ sở khu vực ở Hong Kong đã tăng gần gấp hai lần trong 5 năm, lên đến 216 công ty vào năm 2019.

Nhiều công ty Trung Quốc, trong đó có các “ông lớn” như Alibaba Group và Tencent, đều đang niêm yết tại Sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong.

Nhưng các thị trường tài chính đang bộc lộ những dấu hiệu bất ổn trong tương lai, với lãi suất đồng HKD tăng lên trên thị trường tiền ngắn hạn.

Lãi suất liên ngân hàng Hong Kong HIBOR kỳ hạn ba tháng đã tăng lên khoảng 1,35% vào cuối tháng Năm.

Bên cạnh xu hướng nới lỏng tiền tệ ở Mỹ, thì những lo ngại về dòng vốn chảy khỏi Hong Kong cũng là lý do khiến lãi suất HIBOR tăng lên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.