Thời gian gần đây, hàng trăm cá thể tê tê quý hiếm là tang vật của các vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép được lực lượng chức năng các địa phương “giải cứu,” đưa về Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã Hà Hội với mục đích chăm sóc để tái thả về tự nhiên, song hầu hết tê tê đã bị chết.
Cho đến nay, hàng loạt cá thể tê tê bị chết vẫn đang phải nằm trong “kho nhà xác động vật đông lạnh” của Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã Hà Hội, với lý do là tang vật của các vụ án buôn bán động vật hoang dã trái phép chưa được cơ quan chức năng xử lý.
Theo tìm hiểu của phóng viên VietnamPlus, chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2016, tại Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã Hà Hội đã có hơn 80 cá thể tê tê quý hiếm bị chết.
Toàn bộ số tê tê trên là tang vật của các vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép, được Công an tỉnh Hưng Yên bàn giao cho Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã Hà Hội vào hồi đầu tháng 2/2016.
Trước đó, trong năm 2015, khoảng 200 cá thể tê tê là tang vật của các vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép, được cơ quan chức năng các tỉnh bàn giao cho Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã Hà Hội, cũng đã bị chết.
Cho đến nay, tại “kho nhà xác động vật đông lạnh” của Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội, hàng trăm cá thể tê tê được bảo quản trong các tủ lạnh đã đông cứng và bốc mùi hôi khó chịu. Trong số đó, có rất nhiều cá thể đã được bảo quản từ nhiều năm trước.
Là người gắn bó với công việc chăm sóc động vật trong suốt 5 năm nay, chị Trịnh Thu Hằng, Cán bộ thú ý – Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội trong cuộc trao đổi ngày 4/7 cho biết, từ trước tới nay trung tâm đã tiếp nhận rất nhiều đợt cứu hộ tê tê, song chưa có đợt cứu hộ nào được gọi là thành công.
“Phần lớn tê tê trước khi được đưa về trung tâm đều có thể trạng sức khỏe rất yếu, bị nhồi nhét thức ăn, hư hỏng đường ruột nên thời gian sống rất ngắn, sau đó bị chết. Cá thể nào khỏe, có khả năng cứu chữa cũng chỉ sống được khoảng 2 tháng,” chị Hằng chia sẻ.
Lý giải rõ hơn về việc tê tê bị chết nêu trên, ông Ngô Bá Oanh, Giám đốc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cho rằng việc các cá thể tê tê bị chết là do trong quá trình vận chuyển, các đối tượng buôn bán động vật hoang dã trái phép đã tiêm nước, nhồi nhét thức ăn vào cơ thể tê tê để làm tăng trọng lượng, việc này đã khiến tê tê bị ảnh hưởng sức khỏe.
Bên cạnh đó, phần lớn các cá thể sau khi lực lượng chức năng bàn giao cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội là tang vật của các vụ án chưa xử lý, nên trung tâm này phải chăm sóc dài ngày, việc tìm kiếm thức ăn gặp nhiều khó khăn và tốn kém nguồn tài chính.
“Hơn nữa, trong quá trình nuôi cứu hộ, điều kiện môi trường cũng không thật sự ‘dễ chịu’ với các loài động vật vốn quen sống ngoài tự nhiên. Do vậy, quá trình nuôi nhốt tê tê dài ngày cùng với môi trường nuôi nhốt (diện tích chuồng nuôi) eo hẹp sẽ khiến tê tê bị chết,” ông Oanh nói.
Rõ ràng mục đích của các cuộc giải cứu động vật hoang dã là để chăm sóc tái thả về tự nhiên, nhưng nếu cứ tiếp tục bị chết như hàng trăm cá thể tê tê quý hiếm này thì việc cứu hộ rõ ràng là không hiệu quả. Đó là chưa kể sự lãng phí ngân sách, công sức mà Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã đã và đang làm, trong khi có những cá thể động vật đã bị chết từ 3-4 năm trước nhưng hiện nay vẫn phải bảo quản đông lạnh, vì là tang vật của vụ án chưa được xử lý hình sự.
Vậy làm sao để tê tê khi được giải cứu, đưa về Trung tâm cứu hộ động vật Hà Nội thực sự được "cứu" như kỳ vọng chăm sóc để tái thả về tự nhiên, cho đến nay vẫn là bài toán khó "thách thức" những người làm công tác bảo tồn./.