Những ngày đầu tháng 8, cơn bão số 2 đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc, trong đó Lào Cai là địa phương chịu nhiều thiệt hại nặng nề về người và của.
Gần 1.000 nhà ở bị thiệt hại, huyết mạch 4D Lào Cai đi Sapa hư hỏng nặng, hàng chục nghìn hecta lúa, hoa màu bị ảnh hưởng.
Nhưng đó chỉ là những hậu quả trước mắt.
Người Lào Cai đang sống thấp thỏm trong sự bao vây của nỗi ám ảnh, mang tên “bom đất”
Nằm trên mặt đường Quốc lộ 4D Lào Cai đi Sapa, căn nhà gỗ 2 tầng của anh Hồ Văn Quy và chị Tinh Thị Tới xây dựa lưng vào núi.
Theo lãnh đạo xã Cốc San, căn nhà của Quy và Tới xây dựng trái phép và nằm trong diện nguy hiểm phải di dời. Nhưng vì sự cố chấp của mình, Quy kiến quyết không chịu. Và sau cơn bão số 2, anh đã phải trả giá bằng chính mạng sống của 3 đứa con...
Đáng buồn, sau bi kịch mình vừa trải qua, người cha tội nghiệp vẫn giữ nguyên sự cố chấp của mình.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Lào Cai, sau 2 cơn bão số 1 và 2, số nhà ở nằm trong diện nguy cơ cần sớm di dời đã tăng một cách chóng mặt, từ 391 hộ lên thành 1310 hộ.
Tức là, hơn 1.300 hộ dân đang được đặt vào tình trạng sẵn sàng làm mồi cho những cơn bão kèm lũ quét, lũ ống bất cứ lúc nào.
Nhìn những căn nhà như thế này, có thể hình dung ra kết cục của nó khi cơn lũ kéo đến.
Tuy nhiên, cũng như anh Quy ở xã Cốc San, đa phần người dân sinh sống ở vùng cao đều không nhận thức được mối nguy hiểm đang rình rập.
Đơn cử như trường hợp anh Lý Sài Khiêm ở thôn Chu Kang Hồ, xã Tòng Sành, là người tham gia tìm kiếm 3 mẹ con cùng xã bị lũ cuốn trôi, anh vẫn chẳng mảy may lo lắng tai họa có thể ập đến với gia đình mình bất cứ lúc nào.
Thôn Ki Kông Hồ của xã Tòng Sành huyện Bát Xát chịu thiệt hại không nhỏ sau cơn bão. Toàn thôn có 38 hộ đều được xếp vào diện nguy cơ, trong đó 20 hộ trong diện phải di dời khẩn cấp.
Những căn nhà dựng sát vách núi, đồi hoặc đối diện ngầm suối, dễ hiểu vì sao tới 7 ngôi nhà của thôn lại làm mồi cho những quả bom đất hung hãn trong trận lũ quét vừa qua.
Trước sự lo lắng của người dân, những vị lãnh đạo mẫn cán của xã, huyện đã tổ chức một cuộc họp tại trường học, nơi các hộ mất nhà đang ở tạm để bàn cách di dời cho bà con.
Ngưòi dân lo lắng, thấp thỏm, chính quyền thôn, xã sốt sắng, nhưng việc di dời không hề đơn giản.
Nguy hiểm hiện hữu, nỗi lo lắng bao trùm, nguyện vọng di chuyển cũng có, quyết tâm của chính quyền càng có, nhưng vì nhiều lý do, chắc hẳn sẽ khó có thể thực hiện ngay.
Và trong thời gian chờ đợi, hàng nghìn người dân ở Lào Cai sẽ phải tiếp tục sống chung với nỗi ám ảnh mang tên “bom đất”.
Cơn bão này qua, bão khác đến. Lần tới, tử thần sẽ chọn ai?./.