[Video] Người làng Đa Sỹ tự tin giữ ngọn lửa lò rèn trăm năm tuổi

Sau hàng trăm năm nhóm, giữ và truyền lại ngọn lửa lò, tới nay, nghề rèn ở Đa Sỹ (Hà Nội) từ chỗ là nghề phụ đã trở thành nghề chính. Trong làng có hơn 1300 lò lửa vẫn ngùn ngụt cháy mỗi ngày.

Trong số trăm nghề của thủ đô Hà Nội có những nghề mà cứ hễ nhắc tới người ta lại liên tưởng ngay tới những thanh âm ấn tượng. Bên cạnh những thanh âm nhẹ nhàng như tiếng kẽo kẹt thoi đưa của làng lụa Vạn Phúc hay nhữngsột soạt đan lát của nón làng Chuông, nhiều người ấn tượng với sự mạnh mẽ, tiếng búa-đe chát chúa liên hồi của làng rèn Đa Sỹ. 

Đa Sỹ hàng trăm năm nay được mệnh danh là “đệ nhất dao kéo đất Thăng Long.” Ngôi làng nằm bên dòng sông Nhuệ, thuộc địa phận quận Hà Đông, Hà Nội.

[Làng lụa Vạn Phúc trên hành trình khẳng định bản sắc riêng]

Nghệ nhân Đinh Công Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề làng Đa Sỹ chia sẻ: "Làng nghề có khoảng từ thế kỷ 17. Thời xưa, các cụ tổ nghề lập lò rèn ở đây để rèn vũ khí, đánh đuổi ngoại xâm. Các thanh niên trong làng được tuyển chọn phục vụ lò rèn vừa làm, vừa học, đến thời bình thì đem nghề về để sản xuất nông cụ, vật tư kim khí phục vụ đời sống hằng ngày. Làng rèn Đa Sỹ ra đời từ đó.”

Năm tháng qua đi, các sản phẩm của Đa Sỹ ngày càng đa dạng, phong phú. Cũng theo ông Đoán, người làng này giỏi nhất ở điểm có thể phục vụ tất cả mọi người. “Sản phẩm của chúng tôi từ con dao, cái kéo đến cái tràng, cái đục đến cái xà beng, quốc, thuổng hay cái bay, con dao xây… bất cứ cái gì phục vụ từ trên rừng xuống dưới biển. Đấy là một niềm tự hào của người Đa Sỹ chúng tôi,” ông Đoán nói.

Sản phẩm của làng rèn Đa Sỹ không chỉ phong phú mà đặc biệt được ca ngợi bởi độ bền, sắc, cứng, nhờ kỹ thuật tôi thép điêu luyện của dân làng. Người dân nơi đây vẫn tự hào bởi khả năng tạo ra những con dao “chặt được cả sắt.”

Có được những sản phẩm như thế là do nhiều đời nghệ nhân của làng đúc kết cộng hưởng với sự sáng tạo không ngừng của các thế hệ sau và quan trọng hơn là tình yêu nghề, hăng say lao động ngấm vào máu của những người thợ thủ công nhiệt huyết. "Chúng tôi làm sản phẩm ra thị trường phải luôn coi như chính sản phẩm cho mình dùng, sản phẩm lỗi, hỏng phải bỏ ngay lập tức, không xuất xưởng. Phải luôn làm bằng cái tâm của mình, có như thế mới bền lâu được," anh Đinh Công Tuấn-một người thợ lành nghề trong làng chia sẻ. 

Sau hàng trăm năm nhóm, giữ và truyền lại ngọn lửa lò, tới nay, nghề rèn ở Đa Sỹ từ chỗ là nghề phụ đã trở thành nghề chính. Trong làng có hơn 1.300 lò lửa vẫn ngùn ngụt cháy mỗi ngày.

“Nghề rèn bây giờ là nguồn sống là thu nhập chính để người dân phát triển, mang lại lại sự no đủ, công ăn việc làm,  học hành cho con cái… Vì thế, tôi tin rằng, nghề này sẽ còn phát triển tốt,” nghệ nhân Đinh Công Đoán tự tin khẳng định./.

(Vietnam+)