Bên cạnh vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, vấn đề tăng giờ làm thêm trong Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng nhận được nhiều sự quan tâm, tranh luận của các đại biểu quốc hội.
Đây không phải là lần đầu vấn đề mở khung giờ làm thêm cho người lao động được đưa ra bàn thảo.
Trước đây cũng đã từng quy định thời gian làm thêm tối đa đến 400 giờ, sau đó giai cấp công nhân đấu tranh tăng lương giảm giờ làm nên đã giảm từ 400 xuống còn 300 giờ.
Vậy, tại sao lần này chúng ta phải nâng giờ làm thêm lên trở lại?
Trên thực tế, do tiền lương tối thiểu theo vùng chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động nên nhiều người muốn tăng giờ làm thêm để tăng thêm thu nhập.
Từ các lý do này Chính phủ muốn luật hóa để đảm bảo cho người lao động và chủ sử dụng lao động tham gia sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy kinh tế của doanh nghiệp, tạo ra lợi nhuận.
[Tăng thời gian làm thêm giờ: Phải tính tiền lương lũy tiến]
Thế nhưng, thực tế, tổng quỹ thời giờ làm việc trong năm của người lao động Việt Nam đã cao hơn thế giới. Nếu tiếp tục tăng giờ làm thêm nữa, theo nhiều đại biểu, việc này đi ngược lại với xu thế tiến bộ xã hội.
Các đại biểu cho rằng, việc cần làm bây giờ là làm thế nào để tăng mức lương tối thiểu cho người lao động để họ an tâm làm việc, lao động sản xuất chứ không phải lấy lý do tăng thu nhập cho người lao động để tăng thời gian làm việc mỗi ngày.
Bên cạnh đó, với những doanh nghiệp có nhu cầu tăng cường sản xuất, có thể tự thỏa thuận với công nhân, người lao động để có thể có mức tăng giờ làm thêm một cách hợp lý.
Đi kèm với đó là thu nhập trong giờ làm thêm cũng phải tăng lũy tiến. Tuy nhiên, cần tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát để tránh doanh nghiệp tận dụng nhân công giá rẻ, vắt cạn sức của người lao động./.