Việc cập nhật các tiêu chuẩn hàng hóa xuất sang EU được cải thiện

Qua thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, số lần cảnh báo SPS đối với hàng hóa của Việt Nam chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số cảnh báo của các cơ quan kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu EU.
Việc cập nhật các tiêu chuẩn hàng hóa xuất sang EU được cải thiện ảnh 1Đại diện Văn phòng SPS Việt Nam ký kết biên bản hỗ trợ thông tin SPS với đại diện các hợp tác xã nông nghiệp tại Diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản, thực phẩm quan trọng của Việt Nam nhưng để khai thác hiệu quả thị trường này, người sản xuất, kinh doanh, vận chuyển sản phẩm phải nắm rõ và tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật nhằm giảm thiểu các rủi ro không đáng có.

Thông tin trên được các chuyên gia chia sẻ tại Diễn đàn Tuyên truyền Thực thi Cam kết về An toàn Thực phẩm và Kiểm dịch Động Thực vật (SPS) trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) do Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động Thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 3/11.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết việc hội nhập kinh tế thế giới và tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa, nông sản Việt Nam; trong đó, Hiệp định EVFTA được thực thi trong 3 năm qua giúp xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU tăng trưởng rõ rệt. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm và sản lượng xuất khẩu vào thị trường EU nói riêng và các thị trường có FTA nói chung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất của Việt Nam.

Nguyên nhân xuất phát từ việc thị trường thường xuyên thay đổi, điều chỉnh các quy định, yêu cầu về mặt an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh cũng như các yêu cầu khác về sử dụng lao động, phát triển xanh… Trung bình mỗi năm Văn phòng SPS Việt Nam nhận được khoảng 1.000 thông báo của các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về thay đổi các quy định, tiêu chuẩn SPS với hàng hóa.

Riêng thị trường EU, 10 tháng năm 2023 đã đưa ra 103 thông báo dự thảo lấy ý kiến các thành viên WTO về việc thay đổi các biện pháp về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật trong thương mại nông sản với các nước.

Trong khi đó, việc tiếp cận, cập nhật thông tin về nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu của người sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định, đặc biệt ở các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo ông Ngô Xuân Nam, qua thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, thời gian gần đây số lần cảnh báo SPS đối với hàng hóa của Việt Nam chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số cảnh báo của các cơ quan kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu EU.

Tính 10 tháng năm 2023, hàng hóa Việt Nam nhận 55/3.865 cảnh báo SPS từ EU. Những cảnh báo này có thể là do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh, nấm mốc…, nhưng cũng có những cảnh báo vấn đề phát sinh trong quá trình vận chuyển như bao bì, nhãn mác bi hư hỏng, trái cây rau quả bị dập…

[Đưa kim ngạch thương mại Việt Nam-EU sớm đạt mốc 100 tỷ USD]

“Mặc dù số lượng cảnh báo SPS của hàng hóa Việt Nam không nhiều nhưng để khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là EU, chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm của Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin, tuân thủ nghiêm các quy định của Hiệp định SPS và điều khoản SPS trong các FTA khi xuất khẩu. Bởi chỉ cần sơ suất ở một công đoạn như canh tác, sơ chế, vận chuyển cũng có thể dẫn đến bị khách hàng cảnh báo, đưa vào diện giám sát chặt chẽ hơn, thậm chí tạm dừng xuất khẩu để khắc phục" - ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.

Ông Đặng Đình Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Mega A Logistics, đơn vị chuyên vận chuyển nông sản xuất khẩu, chia sẻ nông sản, đặc biệt là các loại trái cây, rau quả tươi xuất khẩu đều trải qua 2 lần kiểm dịch ở cảng đi và cảng đến. Đây là yêu cầu bắt buộc ở hầu hết các thị trường nhập khẩu mà doanh nghiệp phải tuân thủ.

Khi hàng hóa đến cảng nhập mà không đảm bảo các tiêu chuẩn nhà nhập khẩu đưa ra chỉ có hai cách xử lý hoặc là trả về hoặc là tiêu hủy. Bên cạnh việc xử lý lô hàng vi phạm, phải nhập khẩu còn áp dụng các biện pháp như tăng tần suất kiểm tra trực tiếp, hạn chế hoặc tạm dừng nhập khẩu mặt hàng đó. Vì vậy, thiệt hại không chỉ là giá trị một đơn hàng hay một doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến cả ngành hàng và thương hiệu của Việt Nam.

Việc cập nhật các tiêu chuẩn hàng hóa xuất sang EU được cải thiện ảnh 2Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

“Tham gia sân chơi quốc tế bắt buộc người nông dân, doanh nghiệp và cả đơn vị vận chuyển đều phải nắm bắt các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa của thị trường để đáp ứng tốt nhất. Hoạt động logistics cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Do đó, ngoài quy trình canh tác, sơ chế, chế biến các đơn vị xuất khẩu cần lựa chọn đơn vị vận chuyển đáp ứng các điều kiện về đóng hàng, chất lượng container, thời gian vận chuyển tối ưu để tránh các rủi ro trong quá trình vận chuyển gây ảnh hưởng đến chất lượng” - ông Đặng Đình Long nêu góc nhìn.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về SPS của thị trường EU, ông Võ Văn Hoài, Chuyên viên Cao cấp Phòng Đảm bảo chất lượng Công ty Acecook Việt Nam, cho biết công ty liên tục cập nhật văn bản luật mới trên Cổng tra cứu luật chính thức của EU (Europa); nghiên cứu chương trình kiểm soát sản phẩm nhập khẩu, nắm các chỉ tiêu nằm trong kế hoạch kiểm tra của hải quan, những vấn đề EU đang đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh đó, bộ phận đảm bảo chất lượng thường xuyên rà soát sản phẩm, xem xét sự phù hợp của tiêu chuẩn nguyên liệu, thành phẩm so với quy định mới của thị trường, thiết lập lại kế hoạch kiểm soát chất lượng nguyên liệu, quá trình sản xuất và thành phẩm. Công ty cũng thường xuyên tham vấn ý kiến của cơ quan quản lý quốc gia hoặc đơn vị tư vấn luật đối với các vấn đề luật định phức tạp, không hiểu rõ.

Theo ông Võ Văn Hoài, điểm thuận lợi của các doanh nghiệp hiện nay là Văn phòng SPS Việt Nam làm đầu mối cập nhật rất nhanh chóng, đầy đủ các dự thảo điều chỉnh Tiêu chuẩn SPS của các nước thành viên WTO; các thông báo, cảnh báo của nước nhập khẩu với hàng hóa vi phạm.

Trước đây, khi có kế hoạch mở rộng thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp phải mất hàng tháng để tìm hiểu các quy định, Tiêu chuẩn SPS của nước nhập khẩu thì hiện nay có thể tra cứu trực tiếp, đầy đủ qua các kênh thông tin của Văn phòng SPS Việt Nam. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí cơ hội mà còn tạo điều kiện để mọi nông dân, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ hiểu rõ các tiêu chuẩn thị trường và thực hành đúng ngay từ đầu chuỗi sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.