Đặc biệt, với những hộ nghèo sử dụng dưới 50 số thì giá điện vẫn được nhà nước bao cấp, nếu không dùng hết định mức theo quy định sẽ được giữ lại số tiền chênh lệch được hưởng.
Ước tính hiện có khoảng 2% hộ nghèo tiêu thụ dưới 50 số điện và khoảng 14% hộ cận nghèo tiêu thụ dưới 100 số điện. Theo người đứng đầu Văn phòng Chính phủ, đợt điều chỉnh giá điện 1/8 vừa qua, ngành điện vẫn bán dưới giá thành và có bao cấp cho những đối tượng trên.
Tuy nhiên, tới đây Chính phủ một mặt trực tiếp hỗ trợ cho người nghèo, không cào bằng, nhưng vẫn tạo điều kiện để các hộ nghèo sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện.
"Chủ trương là không tăng giá điện liên tục hai lần trong vòng 3 tháng và dưới 5% trở xuống do Bộ Công Thương quyết định. Nhưng khi tăng giá điện cần tuyên truyền để tạo sự đồng thuận chung, " Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Giải thích thêm nội dung này, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc tăng giá điện 5% vào ngày 1/8 sẽ làm tăng chỉ số CPI và các chỉ số giá cả khác khoảng 0,12%. Ngoài ra, việc tăng giá điện cũng có thể đẩy giá thành của một số ngành sản xuất (tùy thuộc vào doanh nghiệp) từ 0,04%-0,56%. Riêng tác động đối với ngành xi măng là 0,43%, phôi thép 0,31%, thép thành phẩm 0,04%.
Tăng giá điện sẽ tăng trực tiếp CPI khoảng 0,72%
Còn việc chọn thời điểm 1/8 và mức tăng 5%, theo Thứ trưởng bản thân ngành công nghiệp năng lượng đang đứng trước áp lực giá thành đầu vào rất lớn. Đơn cử, giá than bán cho điện đã tăng từ 37-41% vào tháng 4/2013, kéo theo ngành điện phải đội chi phí khoảng 4.000 tỷ đồng. Thêm vào đó, công ty PVGas cũng điều chỉnh giá bán khí làm cho EVN phải bù thêm khoảng 3.000 tỷ đồng...
Chính vì vậy, sau khi tính toán, Bộ Công Thương đã cân nhắc điều chỉnh tăng giá nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho EVN và từng bước tiến tới cơ chế thị trường, nhưng đảm bảo an sinh xã hội và không ảnh hưởng đến người nghèo, các hộ chính sách.
"Bộ Công Thương sẽ đảm bảo tốt khâu tuyên truyền để đảm bảo tính minh bạch và công khai," Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Liên quan đến tổng sơ đồ điện 7, tại buổi họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, theo đánh giá, hiện vấn đề điện của Việt Nam không còn trong tình trạng "ăn đong" nữa mà nguồn dự phòng vào khoảng 20% cũng như có hệ thống truyền tải nhằm điều hòa chung cho cả nước.
"Đến năm 2015 điện nguồn đã được đảm bảo không thiếu và cuối 2017 đầu 2018, mặc dù một số dự án chậm tiến độ nên có thể xảy ra thiếu điện cục bộ ở phía Nam nhưng Chính Phủ đã chỉ đạo điều chỉnh tổng sơ đồ điện 7, theo hướng bổ sung thêm một số trạm, điều hòa cho tuyến phía Nam cũng như đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện như dự án Long Phú, Vĩnh Tân...nhằm giải quyết việc thiếu điện cho các tỉnh phía Nam vào đầu 2018," Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay./.
Với biểu giá bán điện mới từ ngày 1/8, các hộ nghèo và thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh/tháng sẽ không tăng chi, các hộ sử dụng điện sinh hoạt 100 kWh/tháng tăng chi 6.800 đồng/tháng, sử dụng 150 kWh/tháng tăng chi 10.650 đồng/tháng, sử dụng 200 kWh/tháng tăng chi 15.500 đồng/tháng, sử dụng 300 kWh/tháng tăng chi 26.000 đồng/tháng, sử dụng 400 kWh/tháng tăng chi 37.200 đồng/tháng. |