Việc đổi tên NAFTA thành USMCA nói lên điều gì?

Hiện tại, USMCA có thể là thỏa thuận thương mại lớn nhất của Trump và nó có thể xóa bỏ tương lai không chắc chắn của NAFTA, tuy nhiên nó không mang lại điều gì tích cực cho nền kinh tế toàn cầu.
Việc đổi tên NAFTA thành USMCA nói lên điều gì? ảnh 1Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải) phụ trách đàm phán USMCA phát biểu tại buổi họp báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) ở Washington DC., ngày 1/10/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

USMCA nói lên điều gì? Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, tên gọi này khác hoàn toàn khi so sánh giữa một “Hiệp định thương mại tồi tệ nhất từ trước đến nay mà Mỹ từng ký kết,” chính là Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và một “Hiệp định thương mại mới tuyệt vời” có tên Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) - đã được cả ba nước nhất trí thông qua để thay thế NAFTA.

Theo bài viết mới đây trên trang mạng lowyinstitute.org, sau một thời gian dài Trump lớn tiếng “xỉ vả” NAFTA, đe dọa rút Mỹ khỏi hiệp định này, và đe dọa sẽ áp thuế cao hơn đối với Canada và Mexico nếu hai nước này không đồng ý với những đề nghị mà Mỹ đưa ra, ba nước đã bước qua phút chót (thời hạn do Mỹ đặt ra) để đạt được thỏa thuận vào ngày 30/9, thay thế NAFTA bằng USMCA.

Bất chấp những “điểm cộng” của hiệp định mới, khi được đặt tên, cụm từ viết tắt USMCA thật khó đọc, nó không dễ dàng như NAFTA (thậm chí cái tên này còn gây khó dễ cho những người Canada nói tiếng Pháp vì họ sẽ có thể đọc nó là AEUMC).

Tuy nhiên, Trump lại rất thích việc đổi tên và điều mà ông quan tâm chính là nó không còn được gọi là NAFTA nữa.

Việc tái đàm phán NAFTA có đáng giá hay không? Theo kênh truyền hình chuyên về thông tin kinh tế và thị trường tài chính của Mỹ (CNBC), sau khi USMCA được công bố, “hiệp định thương mại mới của Trump không khác mấy so với NAFTA.”

CNBC lưu ý rằng đã có một vài thay đổi về mặt kỹ thuật đối với những quy định về việc sản xuất ôtô và ôtô tải, mở cửa đối với ngành công nghiệp sữa của Canada, thời gian của những tác phẩm đã đăng ký bản quyền và quy định điều chỉnh tranh chấp.

Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể “hiệp định thương mại tự do” Bắc Mỹ ít nhiều sẽ tiếp tục được thực thi do nó đã được hoàn thiện trong nhiều năm.

Tờ Washington Post nhận xét: “Sự khác biệt cơ bản thực sự duy nhất là ngôn từ tức giận tiêu cực của Trump (chống lại NAFTA) đã được thay thế bằng ngôn từ vui sướng đầy hào hứng (khi bày tỏ sự ủng hộ đối với USMCA).”

[Nhân tố có thể làm tiêu tan giấc mơ NAFTA của Tổng thống Trump]

Tuy nhiên, những đánh giá đó đã quá coi thường ý nghĩa của USMCA mới và những điều mà hiệp định này chuyển tải về cách tiếp cận của Mỹ đối với các thỏa thuận thương mại.

Sẽ là bình thường với các thỏa thuận như vậy khi tập trung xác định người chiến thắng và kẻ bại trận, hay nói cách khác đó là nước nào phải đưa ra nhượng bộ lớn nhất.

Điều này bắt nguồn từ quan điểm hám lợi cực đoan vốn cho rằng xuất khẩu là tốt và nhập khẩu là xấu, và cách đánh giá một thỏa thuận thương mại thành công của một nước là sự mở rộng phạm vi nhượng bộ từ các đối tác.

Trong việc đánh giá người chiến thắng và kẻ thua cuộc, không có thống kê nào được đưa ra một cách trung thực để đánh giá sự tác động tiêu cực về thương mại cũng như những tác động của nó đối với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong 3 thành viên của USMCA, Mỹ đã có những nhượng bộ, song điều này không làm nên một hiệp định thương mại “có lợi” đối với nước Mỹ.

Điểm chính mà Canada và Mexico giành được là tránh khỏi việc NAFTA bị “xóa bỏ hoàn toàn” và rằng những giao dịch thương mại tại khu vực Bắc Mỹ sẽ vẫn diễn biến bình thường như nó đã từng hoạt động.

Tuy nhiên, trong khi Canada và Mexico đã tránh được sự đe dọa của Mỹ đối với việc Mỹ áp thuế cao đối với ôtô nhập khẩu từ hai nước này (họ sẽ nhận được một hạn ngạch tự do thương mại), song USMCA không thể xóa bỏ được mối đe dọa của Mỹ áp thuế lên mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ hai nước này bởi lý do an ninh quốc gia.

Việc đổi tên NAFTA thành USMCA nói lên điều gì? ảnh 2Bò sữa tại một trang trại ở Caledon, Canada ngày 4/9/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Canada phải mở cửa thị trường sữa vốn được bảo vệ trong một thời gian dài để cạnh tranh với Mỹ. Giới chăn nuôi bò sữa Canada phàn nàn về điều này, nhưng đây lại là một kết quả tốt đối với người tiêu dùng và nền kinh tế Canada.

Ngoài ra, USMCA cũng có một số điểm khác đáng lưu ý. Ôtô sẽ đủ tiêu chuẩn miễn thuế khi 75% linh kiện được sản xuất tại khu vực Bắc Mỹ, tăng so với tỷ lệ cũ được quy định trong NAFTA là 62,5%.

Bên cạnh đó, 30% linh kiện phải được sản xuất bởi những người công nhân được trả ít nhất 16 USD/giờ, và tỷ lệ này sẽ tăng lên 40% vào năm 2023.

Việc đổi tên NAFTA thành USMCA nói lên điều gì? ảnh 3Ôtô mới được xếp tại cảng Veracruz, Mexico ngày 27/8/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quy định này cao gấp 3 lần so với mức thu nhập trung bình của công nhân Mexico làm trong lĩnh vực này.

Lao động trong ngành sản xuất ôtô tại Mỹ có thể hoan nghênh những thay đổi của điều khoản này, song giá ôtô được sản xuất tại Bắc Mỹ sẽ tăng, và người tiêu dùng sẽ phải chi nhiều hơn khi mua xe.

Ngoài ra, sự thay đổi trong điều khoản này cũng khuyến khích những nhà sản xuất ôtô Mỹ và Canada chuyển nhà máy đến những nơi khác.

Bên cạnh đó, một số điểm có lợi mà Mỹ đã giành được từ hiệp định mới này có thể kể đến là kéo dài thời hạn của bằng sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm Mỹ và tăng cường thời hạn quyền sở hữu trí tuệ.

Canada đã tìm cách, nhưng thất bại, để loại bỏ việc “mua chuộc người Mỹ” và mở chi nhánh tiêu thụ sản phẩm tại Mỹ.

Kênh truyền hình CBS News của Canada kết luận sự ảnh hưởng mà USMCA đem lại là: “giá thuốc cao hơn, thời hạn bản quyền dài hơn và không từ bỏ việc “mua chuộc người Mỹ.”

Thỏa thuận mới cũng bao gồm một điều khoản ngăn cấm các thành viên thao túng tiền tệ. Điều khoản này do Mỹ đưa ra không nhằm vào Canada hoặc Mexico, những nước vốn thả nổi tỷ giá hối đoái, tuy nhiên nó rõ ràng nhằm trực tiếp vào Trung Quốc.

[Nhìn lại những điểm "sáng" và "tối" của hiệp định NAFTA 2.0]

Điểm có ý nghĩa rất lớn của USMCA là nó không chỉ bao gồm vấn đề thương mại trong 3 nước thành viên của hiệp định mà còn ảnh hưởng đến khả năng tham gia vào thỏa thuận thương mại với những nước khác của những nước thành viên.

Nếu một thành viên của USMCA đàm phán thỏa thuận thương mại với một nước khác có nền kinh tế phi thị trường - được hiểu là Trung Quốc - nó có thể bị loại khỏi USMCA.

Blayne Haaggart thuộc trường Đại học Brock của Canada kết luận: “Thật khó để chấp nhận điều khoản này như những điều khoản khác, tuy nhiên đó là một cách “giữ chân” Canada và Mexico để họ nằm trong quỹ đạo của Mỹ, ngăn chặn khả năng lấn lướt sự ảnh hưởng của Mỹ.”

Đến thời điểm hiện tại, USMCA có thể là thỏa thuận thương mại lớn nhất của Trump và nó có thể xóa bỏ tương lai không chắc chắn của NAFTA, tuy nhiên nó không mang lại điều gì tích cực cho nền kinh tế toàn cầu.

Nó cho thấy cách tiếp cận “không thỏa thuận, chỉ có cách của Mỹ" trong việc đàm phán thương mại, thậm chí cả khi đàm phán với những đồng minh của Mỹ. Hơn thế, một lần nữa nó cho thấy nỗi ám ảnh của Trump về Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.