Việc gián đoạn nguồn cung khí đốt đe dọa nền kinh tế Đức

Đức đang kích hoạt “giai đoạn đầu” trong thang cảnh báo 3 giai đoạn ứng phó khẩn cấp với tình huống cạn kiệt năng lượng do lo ngại Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt.
Việc gián đoạn nguồn cung khí đốt đe dọa nền kinh tế Đức ảnh 1Đường ống dẫn khí đốt tại trạm khí đốt ở Werne, miền Tây nước Đức, ngày 24/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và công đoàn Đức cảnh báo rằng bất kỳ sự gián đoạn nào về nguồn cung khí đốt đều ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế vốn chưa hồi phục hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 30/3, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thông báo nước này kích hoạt “giai đoạn đầu” trong thang cảnh báo 3 giai đoạn ứng phó khẩn cấp với tình huống cạn kiệt năng lượng do lo ngại Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt.

Theo kế hoạch này, các hộ gia đình và bệnh viện ở Đức sẽ được ưu tiên phân bổ khí đốt hơn doanh nghiệp trong trường hợp nguồn cung bị hạn chế.

[Đức kích hoạt kế hoạch khẩn cấp về khí đốt do lo ngại thiếu nguồn cung]

Nếu kịch bản trên xảy ra, tình huống xấu nhất có thể khiến công ty hóa chất lớn nhất thế giới BASF, có địa điểm sản xuất chính ở thành phố Ludwigshafen, bang Rheinland-Pfalz, sẽ phải đóng cửa một phần, thậm chí toàn bộ.

Chủ tịch Công đoàn Mỏ-Hóa chất-Năng lượng Đức (IG BCE) Michael Vassiliadis, đồng thời là thành viên Hội đồng giám sát của BASF, cho biết sẽ có khoảng 40.000 nhân viên phải giảm giờ làm hoặc bị sa thải.

Theo ông Vassiliadis, hậu quả không chỉ là giảm giờ làm hay mất việc làm, mà còn là sự sụp đổ nhanh chóng các chuỗi sản xuất công nghiệp ở châu Âu, gây ra những hậu quả trên toàn thế giới.

Ông Christian Kullmann, người đứng đầu Hiệp hội ngành công nghiệp hóa chất Đức (VCI), cũng cảnh báo rằng việc vận hành các nhà máy hóa chất rất phức tạp, do đó nếu bị đóng cửa, các nhà máy này sẽ không thể hoạt động trở lại chỉ sau vài tuần hoặc vài tháng.

Ông Kullmann, đồng thời là Giám đốc Công ty hóa chất chuyên dụng Evonik, cho rằng sự gián đoạn này có thể gây ra “hiệu ứng domino rất lớn đối với hầu hết các ngành công nghiệp."

Hóa chất là một phần quan trọng của nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Đức do hầu hết các ngành công nghiệp không thể thiếu các sản phẩm hóa chất, kể cả các nhà máy chế tạo ôtô, sản xuất dược phẩm và các công ty xây dựng.

Mặc dù tuyên bố sẽ giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vẫn chiếm 40% nguồn cung của Đức, giảm so với mức hơn 50% trước khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Habeck thừa nhận từ nay đến giữa năm 2024 Đức khó có thể tìm đủ nguồn thay thế khí đốt Nga.

Tại thời điểm kích hoạt kế hoạch ứng phó khẩn cấp về nguồn cung năng lượng, các kho dự trữ khí đốt của Đức đạt công suất khoảng 25%.

Theo Bộ trưởng Habeck, nguồn khí đốt trên sẽ cạn trong bao lâu phụ thuộc vào một số yếu tố như mức tiêu thụ và thời tiết.

Ông kêu gọi người tiêu dùng và doanh nghiệp tư nhân cắt giảm sử dụng năng lượng.

Chủ tịch Hiệp hội ngành năng lượng và nước của Đức (BDEW) Kerstin Andreae nhấn mạnh tất cả các bên liên quan cần phải có một lộ trình rõ ràng về quyền và nghĩa vụ khi xảy ra tình trạng nguồn cung gián đoạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.