Viêm nhiễm - Yếu tố khiến bệnh nhân mắc COVID-19 trở nặng

Ngoài chứng viêm xuất hiện trước khi bệnh nhân mắc COVID-19, việc kích hoạt thể gây viêm cũng gây ra tình trạng rối loạn miễn dịch khiến bệnh COVID-19 biến chứng nguy hiểm hơn.
Viêm nhiễm - Yếu tố khiến bệnh nhân mắc COVID-19 trở nặng ảnh 1Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Niteroi, Rio de Janeiro, Brazil, ngày 22/6/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kết quả một công trình nghiên cứu công bố ngày 6/7 trên tạp chí Hepatology của Mỹ cho thấy chứng viêm nhiễm có thể là một nguyên nhân khiến bệnh tình của các bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trở nặng.

Để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu tại Viện Cấy ghép MedStar Georgetown (MGTI) và Trung tâm Y khoa SUNY Downstate của Mỹ đã tiến hành phân tích hồ sơ bệnh án của 16 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.

Kết quả cho thấy tất cả các bệnh nhân đều có enzyme caspase-1 và protein IL-18 gây viêm, bằng chứng của phản ứng miễn dịch được gọi là thể gây viêm (inflammasome), dẫn tới suy giảm tế bào miễn dịch và hình thành một quá trình chết rụng tế bào gọi là pyroptosis.

Thể gây viêm là những phức hợp protein trong tế bào, đóng vai trò thiết lập nhanh các cơ chế miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Các bệnh lý mãn tính như béo phì, tiểu đường, bệnh gan, tăng huyết áp và bệnh tim đều có thể gây ra chứng viêm nhiễm.

[COVID-19: WHO ngừng thử nghiệm thuốc chống sốt rét và thuốc chữa HIV]

Ngoài chứng viêm xuất hiện từ trước khi bệnh nhân mắc COVID-19, việc kích hoạt thể gây viêm cũng có thể gây ra tình trạng “viêm quá phát” và rối loạn miễn dịch khiến bệnh COVID-19 biến chứng nguy hiểm hơn.

Trong khi đó, kết quả một nghiên cứu khác công bố trên trang medRxiv cho thấy chỉ một số ít bệnh nhân phù hợp với liệu pháp điều trị COVID-19 bằng huyết tương giàu kháng thể của người đã khỏi bệnh.

Theo các nhà khoa học, điều này cho thấy các bác sỹ có thể sẽ cần phải cân nhắc nhiều hơn với việc điều trị bằng huyết tương, theo đó chỉ nên sử dụng liệu pháp này với những người mới bắt đầu có triệu chứng.

Khoảng 50% số bệnh nhân tham gia nghiên cứu đã xuất hiện triệu chứng từ hơn 10 ngày trước khi nhập viện. Với tỷ lệ kháng thể trung hòa cao khi nhập viện, việc sàng lọc kháng thể và ưu tiên điều trị bằng huyết tương cho những bệnh nhân mới khởi phát triệu chứng sẽ là chìa khóa để xác định liệu bệnh nhân đó có đáp ứng tốt với liệu pháp này hay không.

Nghiên cứu được công bố trong bối cảnh các nhà nghiên cứu Hà Lan hôm 3/7 vừa qua cho biết đã dừng thử nghiệm huyết tương sau khi chỉ có 86 bệnh nhân đủ điều kiện tham gia cuộc thử nghiệm do gần 80% được phát hiện đã có sẵn kháng thể trung hòa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.