Việt-Lào-Campuchia tháo gỡ rào cản thúc đẩy giao thương mậu biên

Chiều 9/3, ở Campuchia, Diễn đàn Thúc đẩy đầu tư-thương mại-du lịch trong khuôn khổ JCC CLV DTA 12, thảo luận để tháo gỡ những rào cản trong thúc đẩy giao thương cho 13 tỉnh vùng biên ba nước.
Việt-Lào-Campuchia tháo gỡ rào cản thúc đẩy giao thương mậu biên ảnh 1Các đại biểu phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/TTXVN)

Chiều 9/3, tại Kratie của Campuchia, Diễn đàn Thúc đẩy đầu tư-thương mại-du lịch trong khuôn khổ Hội nghị Ủy ban điều phối Khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ 12 (JCC CLV DTA 12), đã tập trung thảo luận nhằm tháo gỡ những rào cản trong việc thúc đẩy giao thương cho 13 tỉnh vùng biên của ba nước.

Diễn đàn có sự tham dự của các quan chức cấp cao ba nước và các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Tam giác Phát triển CLV.

Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh, đại diện 5 tỉnh Việt Nam là Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Bình Phước, cùng các bộ ngành đã lắng nghe và trao đổi trực tiếp về các bất cập, khó khăn sau 10 năm thành lập Khu vực Tam giác phát triển CLV.

Trong Khu vực Tam giác phát triển CLV, hiện Việt Nam có 116 dự án (chiếm 23,1% tổng số dự án đầu tư của Việt Nam sang Lào và Campuchia) với tổng số vốn đăng ký gần 4 tỷ USD.

Thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào, Campuchia trong những năm qua có bước phát triển đáng kể nhưng vẫn còn một số tồn tại như mô hình “một cửa, một lần dừng” tại các cặp cửa khẩu vẫn còn nhiều vấn đề chưa thống nhất về kiểm tra, kiểm soát người, hàng hóa, phương tiện giữa các lực lượng chức năng dẫn đến thực trạng “một cửa, hai lần dừng.”

Một số thay đổi trong chính sách xuất nhập khẩu cũng gây ảnh hưởng tới giao dịch hàng hóa giữa các nước, cơ sở hạ tầng về thanh toán và ngân hàng tại khu vực còn yếu...

Theo Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Văn Chung, 13 tỉnh thuộc Khu vực Tam giác phát triển CLV cần nhìn nhận lại những khó khăn, bất cập nêu trên và nếu không có sự nỗ lực của các cơ quan 3 nước, nguy cơ tụt hậu của khu vực này là rất rõ ràng sau 10 năm phát triển khu vực.

Về tình hình bên phía Việt Nam, Cục phó Võ Văn Chung cho biết, từ 3 năm trở lại đây, xu hướng đầu tư lớn của Việt Nam ra nước ngoài đã chững lại.

Việc đầu tư theo chiều rộng của những dự án thuộc Khu vực Tam giác phát triển CLV của Việt Nam đã cận biên và thực tế Việt Nam đã triển khai môi trường đầu tư trong nước khá tốt nên các nhà đầu tư sẽ không tìm kiếm cơ hội tại Lào và Campuchia nếu hai nước này không có những cải cách cụ thể về ưu đãi thuế, tạo thông thoáng về buôn bán cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong Khu vực Tam giác phát triển CLV.

Tại Cuộc họp cấp chuyên viên (SOM) sáng 9/3 trong khuôn khổ Hội nghị JCC CLV DTA 12, tiểu ban địa phương thuộc 5 tỉnh của Việt Nam đã thẳng thắn thừa nhận nhiều vấn đề đang cản trở sự phát triển của khu vực Tam giác Phát triển CLV.

Tại Lào, chính sách thuế chưa khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển, thủ tục nhập cảnh và nhập thiết bị, máy móc, nguồn vốn... còn phức tạp do chưa có sự thống nhất trong hệ thống pháp luật của các bên.

[Việt Nam tham gia và đóng góp tích cực đối với Tam giác phát triển CLV]

Về hạ tầng giao thông, sự kết nối giữa các huyện biên giới, giữa các tỉnh khu vực biên giới còn kém, làm ảnh hưởng rất lớn đến sự hợp tác phát triển giữa các địa phương.

Việc hợp tác giữa các địa phương trong số 13 tỉnh thuộc Khu vực Tam giác Phát triển CLV chỉ dừng lại ở mức tương trợ, giúp đỡ nhau, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Tiểu ban đã thống nhất đề nghị chính phủ 3 nước chỉ đạo các bộ, ngành trung ương hướng dẫn và cấp kinh phí cho 13 tỉnh Khu vực Tam giác Phát triển CLV triển khai Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; xem xét, thành lập hành lang đa dạng sinh học tại các khu vực giáp ranh giữa các nước nhằm nâng cao giá trị và bảo tồn đa dạng sinh học giữa các quốc gia.

Đồng thười, tiểu ban này cũng kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông các tỉnh thuộc Khu vực Tam giác phát triển CLV của 3 quốc gia nhằm có sự kết nối đồng bộ; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư kêu gọi các nhà đầu tư từ Campuchia và Lào đầu tư vào 5 tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum của Việt Nam.

Riêng trong lĩnh vực cây công nghiệp cao su, Giám đốc Cục Thẩm định dự án và khuyến khích đầu tư thuộc Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) Youn Heng và Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Vilaysak Phonexay đều nhất trí về tầm quan trọng tính bền vững của các dự án đầu tư của Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) tại hai nước này.

Tại Campuchia, từ năm 2007 đến nay, VRG đã đầu tư 19 dự án trong lĩnh vực trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến mủ cao su với tổng giá trị thực hiện đến ngày 31/12/2018 đạt khoảng 750 triệu USD. VRG đã trồng được gần 90.000ha, tương đương 90% theo quy mô thỏa thuận 100.000ha với Chính phủ Hoàng gia Campuchia.

Tuy nhiên, đại diện VRG tại Campuchia đã thẳng thắn nêu một số kiến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển của mô hình cây công nghiệp này, đặc biệt là trong Khu vực Tam giác phát triển CLV.

VRG đề nghị Bộ Lao động và Đào tạo nghề nghiệp Campuchia có chính sách điều tiết các đề án di dân đến các vùng tiếp giáp đến dự án trồng cao su để tăng nguồn cung ứng lao động tại chỗ; chi phí làm sổ lao động và Visa tạm trú cho các lao động kỹ thuật và chuyên gia Việt Nam hiện tại rất cao (410 USD/người/năm), đề nghị Chính phủ, Bộ Lao động và đào tạo nghề xem xét giảm mức phí này (áp dụng khoảng 100 USD/người/năm); đề nghị Bộ Kinh Tế-Tài Chính Campuchia tăng thêm thời gian hỗ trợ ưu đãi thuế từ 3 năm lên 5 năm cho các công ty cao su Việt Nam

Tam giác phát triển khu vực biên giới Campuchia, Lào và Việt Nam được Thủ tướng ba nước quyết định thành lập vào năm 1999, gồm 10 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông thuôc Việt Nam; Sekong, Attapeu, Saravan của Lào và Stung Treng, Rattanakiri, Mondulkiri của Campuchia.

Năm 2009, ba nước nhất trí bổ sung tỉnh Bình Phước của Việt Nam, tỉnh Kratie thuộc Campuchia và tỉnh Champasak của Lào vào Khu vực Tam giác phát triển CLV.

Mục tiêu của việc hình thành Khu vực Tam giác phát triển CLV là tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước nhằm bảo đảm an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực.

Hợp tác Khu vực Tam giác phát triển CLV tập trung vào các lĩnh vực an ninh-đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.