Việt Nam-Armenia cần xây dựng cơ chế triển khai hiệp định thương mại

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và người đồng cấp Armenia nhất trí thời gian tới hai bên cần tập trung xây dựng cơ chế triển khai hiệp định thương mại.
Việt Nam-Armenia cần xây dựng cơ chế triển khai hiệp định thương mại ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Cộng hòa Armenia, ông Hovik Abrahamyan. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Tiếp tục các cuộc gặp song phương bên lề Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, chiều 29/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Thủ tướng Armenia Hovik Abrahamyan.

Bày tỏ sự coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ hiệu quả mà nhân dân Armenia dành cho Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước; nhiều thế hệ sinh viên, thực tập sinh Việt Nam được học tập tại Armenia đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Thủ tướng Abrahamyan nhắc lại chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2012 của Tổng thống Armenia, nhấn mạnh rằng những kết quả tích cực mà hai bên đạt được sau chuyến thăm đã tạo bước chuyển mới cho quan hệ Việt Nam-Armenia. Hai bên nhất trí cho rằng cần tăng cường hơn nữa tiếp xúc và đối thoại ở các cấp, đẩy mạnh các kênh hợp tác giữa bộ, ngành, địa phương hai nước, qua đó nâng cao hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác giữa hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên sớm thành lập Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật; các bộ, ngành hai nước cần phối hợp chặt chẽ, tạo chuyển biến thực chất trong hợp tác giữa hai nước thời gian tới, đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh chính thức có hiệu lực. Hai thủ tướng nhất trí thời gian tới hai bên cần tập trung xây dựng cơ chế triển khai hiệp định thương mại, tận dụng các ưu đãi để đẩy mạnh hợp tác kinh tế-thương mại, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho hợp tác song phương, xem xét thiết lập cơ chế phù hợp để cùng triển khai các lĩnh vực hợp tác cụ thể, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi thông tin…giữa các doanh nghiệp hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh giáo dục-đào tạo là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Armenia, cần khôi phục lại hợp tác trong lĩnh vực này; trước mắt xem xét ký Hiệp định liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, trao đổi đoàn công tác để tìm kiếm cơ hội và tăng cường hợp tác có hiệu quả.

Về vấn đề Biển Đông, hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực này; ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Về phần mình, Thủ tướng Abrahamyan cho biết phía Armenia đang ưu tiên phát triển khoa học-công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ cao; phát triển dược phẩm và công nghệ sinh học, hóa chất, cơ giới hóa nông nghiệp và chế tạo máy. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác, tổ chức các đoàn trao đổi và hội thảo tiến tới xây dựng một số chương trình hợp tác chuyên đề khoa học công nghệ trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục