Việt Nam-Australia hướng tới phát triển cân bằng, bền vững

Thương mại song phương giữa Việt Nam và Australia tăng trưởng nhanh chóng trong năm 2021 nhờ CPTPP, bất chấp những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải và cảng biển.
Việt Nam-Australia hướng tới phát triển cân bằng, bền vững ảnh 1Một trong những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với thương mại trong năm 2021 là việc thiếu vỏ container, giá vận tải tăng và ách tắc cảng biển. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Năm 2021 được đánh giá là một năm đầy thử thách đối với các quốc gia; trong đó, có Việt Nam và Australia.

Bất chấp những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, thương mại song phương giữa Việt Nam và Australia tăng trưởng nhanh chóng nhờ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đã ký kết với Australia và một số quốc gia khác như Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Peru, Singapore, New Zealand và Nhật Bản.

Thông tin này được bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), nhấn mạnh tại Cuộc họp lần thứ 3 của Nhóm công tác Thương mại Việt Nam-Australia thuộc khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Đối tác kinh tế Việt Nam-Australia vừa được Bộ Công Thương vừa được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Theo bà Lê Hoàng Oanh, một trong những tác động tiêu cực mà dịch COVID-19 mang lại là việc thiếu vỏ container và tăng giá vận tải, ách tắc trong cảng biển.

Vì vậy, hai bên cần chủ động hợp tác để khắc phục những khó khăn bằng cách khuyến khích chia sẻ thông tin từ tàu, cảng vụ giữa hai nước, khuyến khích các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hai bên ký hợp đồng vận tải dài hạn để giữ giá cước ổn định, không bị hiệu chỉnh trong thời gian hợp đồng còn thực hiện, cũng như minh bạch thông tin cước vận tải biển, ngăn chặn tăng giá.

Đồng tình với ý kiến của đại diện Bộ Công Thương Việt Nam, Đại diện phía Bộ Ngoại giao và thương mại Australia - ông Ridwaan Jadwat - trợ lý thứ nhất Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, cho biết Việt Nam là đối tác thương mại và đầu tư vô cùng quan trọng của Australia và mong muốn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ song phương này. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hai bên cần phải có những hợp tác để đưa ra chiến lược phù hợp cùng vượt qua khó khăn này.

Trong thời gian qua, nhờ những biện pháp quyết liệt của hai nước, đặc biệt nhờ sự nỗ lực của Bộ Công Thương cũng như Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, kim ngạch thương mại hai chiều hai nước trong 8 tháng năm 2021 đã đạt hơn 8 tỷ USD, tăng 50,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa nước Australia trở thành 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

[Việt Nam tiếp tục hấp dẫn các doanh nghiệp FDI sau đại dịch COVID-19]

Mặc dù vậy, Việt Nam đang nhập siêu từ Australia. Năm 2020, Việt Nam nhập siêu hơn 1 tỷ USD và tính đến hết 8 tháng đầu năm năm 2021, Việt Nam cũng nhập siêu gần 2,5 tỷ USD.

Phát biểu tại cuộc họp, bà Lê Hoàng Oanh cho rằng tới đây hai nước cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa thúc đẩy thương mại song phương phát triển theo hướng cân bằng và bền vững hơn.

Mặc dù đã đề xuất về việc mở cửa thị trường nông sản Australia đối với các sản phẩm của Việt Nam từ kỳ họp năm 2020 và cũng đã được bộ trưởng hai nước trao đổi nhiều lần, việc xuất khẩu các mặt hàng như tôm tươi nguyên con, trái cây tươi, chanh leo vẫn chưa có tiến triển cụ thể.

Việt Nam-Australia hướng tới phát triển cân bằng, bền vững ảnh 2Việt Nam đề nghị phía Australia hỗ trợ để sản phẩm tôm tươi nguyên con sớm được cấp phép xuất khẩu sang Australia. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Nguyên nhân được cho là phía Australia hiện vẫn chưa hoàn thành trong việc đánh giá rủi ro về kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo và chưa hoàn tất đánh giá công nghệ sản xuất tôm an toàn, dịch bệnh để nhập khẩu các mặt hàng này.

Bà Lê Hoàng Oanh đề nghị ông Ridwaan Jadwat đốc thúc nhằm hỗ trợ nhanh quá trình cấp phép nhập khẩu chính thức cho tôm tươi nguyên con và có thể hỗ trợ kỹ thuật cho về Việt Nam trong quá trình quản lý dịch bệnh trên tôm, sớm xem xét đánh giá chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh của Tập đoàn Việt-Úc, để sản phẩm tôm tươi nguyên con sớm được cấp phép xuất khẩu sang Ausralia.

Ngoài ra, Việt Nam mong muốn sớm hoàn tất quá trình mở cửa thị trường chanh leo cho Việt Nam và tiến tới mở cửa các mặt hàng khác như chôm chôm, vú sữa.

Một vấn đề đáng lưu ý khác là việc hoa lưu ly thấp cành của Việt Nam sang Australia đang gặp khó khăn do sự khác biệt giữa hai nước về quy định chất gọi là glyphosate trong xử lý tiền nảy mầm nhằm triệt tiêu khả năng nhân giống của hoa tươi trước khi nhập khẩu vào Australia.

Do đó, Việt Nam đã loại bỏ chất này khỏi danh mục chất bảo vệ thực vật sử dụng tại Việt Nam từ ngày 30/6 năm nay để phù hợp với môi trường và sức khoẻ con người Việt Nam.

Bởi vậy, Việt Nam rất mong phía Australia phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam sớm cho phép sử dụng các hoạt chất thay thế glyphosate trong xử lý tiền nảy mầm để tạo thuận lợi cho các sản phẩm này xuất khẩu sang Australia.

Trong lĩnh vực đầu tư, hai bên cùng thông nhất sẽ thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực khai khoáng. Hiện nay, năng lượng khai khoáng là lĩnh vực chiến lược đôi bên có tiềm năng bổ sung cho nhau, đặc biệt như than, quặng sắt, khí tự nhiên hóa lỏng là những mặt hàng Australia có lượng dự trữ dồi dào và Việt Nam có nhu cầu cao sử dụng trong sản xuất, phát triển công nghiệp. Vì vậy, cũng đề nghị hai bên cùng hợp tác với nhau để tạo điều kiện hơn nữa trong việc xuất khẩu các mặt hàng như than, quặng sắt...

Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam hiện có nhu cầu đầu tư vào Australia trong các lĩnh vực nói trên. Vì thế, Việt Nam đã đề nghị được cung cấp thông tin và quy định về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực và tài nguyên và được phía Australia đồng tình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.