Ngày 13/10, phát biểu trước các đại biểu tham dự phiên thảo luận chung của Ủy ban Giải trừ quân bị và an ninh quốc tế (Ủy ban 1) Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 69, đang diễn ra tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam ủng hộ giải trừ quân bị toàn diện và triệt để, nhất là giải trừ vũ khí hạt nhân.
Trong bối cảnh môi trường an ninh quốc tế đang có những diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến nỗ lực chung về giải trừ quân bị, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho rằng cộng đồng quốc tế cần tăng cường nỗ lực hơn nữa để khóa họp năm nay có những kết quả thực chất, đề cao chủ trương giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Bà coi đây là tiền đề quan trọng để các quốc gia và Liên hợp quốc thúc đẩy các vấn đề giải trừ quân bị cấp bách hiện nay, như giải trừ vũ khí hạt nhân, chuẩn bị Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vào năm 2015, khởi động thương lượng các điều ước quan trọng khác về chất phân hạch, và đảm bảo an ninh cho các nước phi vũ khí hạt nhân...
Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc cùng các nước phấn đấu vì mục tiêu chung về giải trừ quân bị, khẳng định Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ liên quan trong lĩnh vực này.
Nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Phương Nga đã trân trọng cám ơn và đánh giá cao sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu của các nước và các đối tác, giúp đỡ Việt Nam hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2013-2014.
Ủy ban 1 là cơ quan chính của Đại hội đồng Liên hợp quốc, với chức năng thảo luận, xem xét các vấn đề về giải trừ quân bị, an ninh quốc tế. Trong chương trình nghị sự của khóa họp năm nay, sẽ kéo dài đến tháng 12 tới, Ủy ban 1 sẽ xem xét hơn 50 đề mục, trong đó có nhiều vấn đề đang được quan tâm như cấm đặt vũ khí trong khoảng không vũ trụ, nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân tại Trung Đông…./.