Việt Nam cam kết mạnh mẽ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

“Con đường phía trước”-Việt Nam cần giải quyết các ưu tiên để đẩy nhanh tiến bộ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó ưu tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi sau COVID-19.

Mặc dù bối cảnh kinh tế toàn cầu cúng như trong nước có nhiều thách thức, song Việt Nam vẫn cam kết mạnh mẽ triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Lộ trình thực hiện các mục tiêu đến năm 2030.

Đây là nội dung được nhấn mạnh tại Hội thảo tham vấn Dự thảo Rà soát quốc gia tự nguyện của Việt Nam tại Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững năm 2023, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ngày 24/3.

Rà soát quốc gia tự nguyện

Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Chương trình nghị sự năm 2030 đã được các nước thành viên Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9/2015, với trọng tâm là 17 mục tiêu phát triển bền vững.

Trên cơ sở đó, việc rà soát quốc gia tự nguyện là cơ hội để các quốc gia chia sẻ kết quả đạt được, các thách thức đặt ra cũng như bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và đề xuất các khuyến nghị nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

[Rà soát lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam]

Lần đầu tiên, Việt Nam đã xây dựng và tham gia trình bày Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) vào năm 2018 và năm 2023, Việt Nam tiếp tục đăng ký trình bày VNR lần thứ 2 cùng với 41 quốc gia khác.

Hội thảo tham vấn Dự thảo Rà soát quốc gia tự nguyện của Việt Nam tại Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững năm 2023, ngày 24/3. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo ông Việt Anh, báo cáo VNR năm 2023 của Việt Nam được xây dựng với trọng tâm đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, phản ánh những thay đổi quan trọng cũng như phân tích các bước tiến đạt được kể từ năm 2018.

Báo cáo đồng thời phân tích những khoảng trống về mặt chính sách, những khó khăn, thách thức và đưa ra những đề xuất, khuyến nghị để thúc đẩy việc thực hiện phát triển bền vững trong thời gian tới tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng nhấn mạnh đến vai trò của các bên liên quan trong thực hiện phát triển bền vững tại Việt Nam và khẳng định những nỗ lực trong việc hoàn thiện chính sách hướng trọng tâm tới các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại hội thảo các ý kiến có chung quan điểm việc tham gia rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) năm 2023, khẳng định Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ và kiên định cùng bạn bè quốc tế trong việc thực hiên các mục tiêu phát triển bền vững nhằm hướng tới một thế giới bền vững, bao trùm và thịnh vượng.

Tăng tốc thực hiện

Theo báo cáo, Việt Nam đã đạt được tiến bộ rất đáng kể trong giảm nghèo với tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,2% xuống còn 3,6% trong giai đoạn 2016-2022 (Mục tiêu 1), cung cấp nước sạch cho 98,1% dân số và nhà tiêu hợp vệ sinh cho 95,6% dân số (Mục tiêu 6).

Ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ đã dẫn đến những cải thiện ấn tượng trong phát triển công nghiệp, tăng cường đổi mới, và xây dựng cơ sở hạ tầng (Mục tiêu 9).

Tăng trưởng bao trùm và tăng phân bổ nguồn lực cho an sinh xã hội 15%/năm góp phần giảm bất bình đẳng (Mục tiêu 10). Tiến bộ đáng kể cũng được ghi nhận trong việc thúc đẩy hòa bình, công lý và các thể chế (Mục tiêu 16).

Bà Phạm Mỹ Hằng Phương, đại diện nhóm chuyên gia tư vấn Dự thảo Báo cáo VNR, nhấn mạnh Việt Nam giữ tốc độ tiến bộ đối với các mục tiêu này trong những năm còn lại thì sẽ đạt được hầu hết các chỉ số vào năm 2030.

Để đảm bảo thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu 2, đặc biệt là giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng vẫn còn dai dẳng, nhất là với trẻ em dân tộc thiểu số (Mục tiêu 2).

Ngoài ra, Việt Nam cần tăng tốc để đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh, tập trung vào tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở vùng dân tộc thiểu số (Mục tiêu 3). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đẩy nhanh tiến độ thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới và gánh nặng công việc chăm sóc không lương (Mục tiêu 5) đồng thời thúc đẩy việc làm bền vững, đặc biệt là cho 56,2% lao động đang có việc làm phi chính thức và duy trì tăng trưởng kinh tế bao trùm trong điều kiện bất ổn toàn cầu (Mục tiêu 8).

Mặt khác, nhóm chuyên gia đề nghị Việt Nam cũng cần tăng tốc trong mở rộng quan hệ đối tác để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhất là tập trung vào việc huy động thêm nguồn lực tài chính (Mục tiêu 17)…

Theo nhóm tác giả thực hiện báo cáo, “con đường phía trước”-Việt Nam cần giải quyết các ưu tiên để đẩy nhanh tiến bộ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó ưu tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hỗ trợ phục hồi sau COVID-19. Trong số đó, việc huy động các nguồn tài chính bổ sung và tăng hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính hiện có cho phát triển bền vững là một ưu tiên quan trọng.

“Việc thực hiện những ưu tiên này sẽ rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030,” bà Hằng Phương nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục