Việt Nam-Campuchia tăng cường hợp tác vận tải đường bộ

Tại Hội đàm thường niên năm 2013, Việt Nam và Campuchia bàn các biện pháp nhằm tạo điều kiện cho hoạt động vận tải đường bộ giữa hai nước ngày càng phát triển.
Các đại biểu dự Hội đàm thường niên năm 2013. (Ảnh: Hoàng Hải)

Ngày 24/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tổng cục Vận tải Campuchia tổ chức Hội đàm thường niên năm 2013 để đánh giá các kết quả đạt được từ buổi hội đàm năm 2012 đến nay, bàn các biện pháp nhằm tạo điều kiện cho hoạt động vận tải đường bộ giữa hai nước ngày càng phát triển.


Kết quả khả quan

Phát biểu tại hội đàm, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam cho biết, trong những năm qua, số lượng phương tiện thương mại qua lại biên giới giữa hai nước Việt Nam-Campuchia đã được nâng lên 500 xe, số lượng phương tiện phi thương mại được cấp phép tăng so với năm 2012, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách và nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày một tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai nước và khách du lịch quốc tế qua lại giữa hai nước.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, năm 2012, Việt Nam đã cấp 903 giấy phép liên vận cho phương tiện phi thương mại.

Tính đến ngày 15/12, tổng số đơn vị vận tải của Việt Nam hoạt động vận tải liên vận Việt Nam-Campuchia là 81 đơn vị, trong đó có 55 đơn vị hoạt động vận tải hành khách, 22 đơn vị vận tải hàng hóa và 4 đơn vị vừa hoạt động vận tải hành khách vừa hoạt động vận tải hàng hóa.

Về vận tải hành khách theo tuyến cố định, Việt Nam có bảy tuyến với 79 xe ôtô của sáu đơn vị vận tải tham gia. Số lượng tuyến và đơn vị vận tải giảm so với năm 2012.

Trong lĩnh vực vận tải hành khách theo hợp đồng và xe du lịch có 278 xe được cấp phép. Hiện tại, hoạt động vận chuyển hành khách theo hợp đồng và xe du lịch giữa Việt Nam-Campuchia hoạt động tương đối hiệu quả, đặc biệt các đơn vị vận chuyển hành khách đi du lịch như Công ty Viettravel, Công ty du lịch bến Thành, Hợp tác xã xe du lịch vận tải số 4.

Tồn tại, vướng mắc

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, hiện nay đang xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định, bán vé không đúng giá đã niêm yết. Việc Campuchia chưa bố trí bến xe phục vụ vận tải hành khách theo tuyến cố định Việt Nam-Campuchia dẫn đến doanh nghiệp không có bến xe vào bến đón trả khách.

Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ vận tải chưa được nâng cao tương ứng với yêu cầu của hành khách, còn tình trạng chở hàng hóa trên xe khách, trật tự trong hoạt động vận tải chưa tốt.

Ngoài ra, tình trạng xe khách chạy hợp động hoạt động như xe chạy tuyến cố định còn diễn ra phổ biến với các vi phạm như đón trả khách dọc đường, chạy xe theo hành trình cố định trong thời gian dài.

Trong thời gian dài nhiều địa phương đề nghị cho phép phương tiện phi thương mại của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế từ Việt Nam sang Campuchia để trao đổi, hợp tác kinh tế và bổ sung các cửa khẩu quốc tế mới.

Tại hội đàm năm 2012, hai bên đã nhất trí báo cáo Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông công chính Campuchia đề nghị Chính phủ cho sửa đổi Nghị định thư để mở rộng đối tượng phương tiện phi thương mại và bổ sung các cặp cửa khẩu quốc tế. Tuy nhiên, đến nay Nghị định thư vẫn chưa sửa đổi.


Biện pháp tháo gỡ

Ngày 11/10, tại cuộc họp song phương giữa Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông công chính Campuchia ở Hà Nội, hai bên cơ bản đã thống nhất nội dung dự thảo Nghị định thư sửa đổi về Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam-Campuchia. Phía Việt Nam đề nghị Campuchia sớm hoàn thành thủ tục để Chính phủ hai nước ký kết.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị hai bên thống nhất báo cáo Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông công chính Campuchia cho phép nâng dần định ngạch phương tiện hằng năm, mỗi năm tăng thêm 100 xe, tiến tới không giới hạn số lượng phương tiện thương mại hoạt động giữa hai nước.

Trong năm 2014, hai bên cần tiếp tục rà soát lại hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, thống kê số lượng doanh nghiệp và phương tiện hoạt động trên tuyến, tình hình tổ chức vận tải trên tuyến để sắp xếp các tuyến phù hợp, ổn định. Đồng thời, phía Việt Nam đề nghị Campuchia bố trí bến xe vào bến đón trả khách cho các phương tiện chạy theo tuyến cố định.

Bên cạnh đó, hai bên cần tăng cường quản lý hoạt động vận tải hai nước, kiên quyết thu hồi giấy phép liên vận cho các phương tiện vi phạm nghiêm trọng các quy định của Hiệp định và Nghị định thư.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các cửa khẩu được bổ sung vào Nghị định thư sửa đổi sau khi được ký kết, hai bên sẽ sớm tổ chức lễ thông xe tại các cửa khẩu này.

Năm 2014, hai bên phối hợp lập tổ khảo sát về thủ tục qua lại biên giới để nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nhằm đơn giản hóa và giảm thời gian chờ đợi đối với thủ tục qua lại biên giới của người và phương tiện.

Hai bên phối hợp với Cục Vận tải Lào triển khai thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ các nước Vương quốc Campuchia, Công hòa dân chủ nhân dân Lào và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về vận tải đường bộ để tổ chức và quản lý hoạt động vận tải đường bộ giữa các nước Campuchia, Lào và Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục