Nhiều mức phạt vi phạm trong giao thông đường bộ sẽ giảm đồng thời một số quy định về tạm giữ phương tiện, quy định về xử phạt hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe…cũng đã được sửa đổi để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tế.
Đó là một trong những nội dung cơ bản trong Nghị định số 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2014.
Không kiểm tra xe đang lưu thông
Theo thông cáo báo chí của Bộ Giao thông Vận tải, nhìn chung, mức xử phạt đối với hầu hết các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP không tăng mà được giữ nguyên như các Nghị định trước đây và có giảm nhẹ đối với một số hành vi như: điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe, chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định; quy định thời hạn tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 4 tháng thay cho hình thức tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ không thời hạn.
Từ 1/1/2014, mức phạt cho hành vi điều khiển ôtô chạy quá tốc độ trên 35km/giờ; đi ngược chiều trên đường cao tốc sẽ giảm còn từ 7-8 triệu đồng (hiện tại 8-10 triệu); người điều khiển ôtô chở khách không gắn hộp đen hoặc có gắn nhưng thiết bị không hoạt động đã giảm từ 2-3 triệu xuống còn 1-2 triệu đồng... Với người đi xe đạp, nếu đi không đúng phần đường quy định, mức phạt giảm còn 50.000-60.000 đồng.
Một số quy định được người dân đặc biệt quan tâm và có nhiều ý kiến phản hồi là quy định về tạm giữ phương tiện, quy định về xử phạt hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe…cũng đã được sửa đổi để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tế.
Đối với quy định về việc tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt, thời gian tạm giữ đã giảm xuống còn đến 7 ngày (trước đây là đến 10 ngày), số lượng các trường hợp tạm giữ cũng giảm nhiều so với trước đây.
Cụ thể, Nghị định mới ban hành chỉ quy định tạm giữ phương tiện đối với những vi phạm của người điều khiển có tính chất nguy hiểm, nếu để người vi phạm tiếp tục điều khiển phương tiện sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cao như hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ…hoặc những vi phạm về điều kiện an toàn của phương tiện như điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe, điều khiển xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số), điều khiển xe ôtô không đủ hệ thống hãm hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, điều khiển xe mà không có Giấy phép lái xe …
Đối với quy định về xử phạt hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe, mức phạt giảm xuống còn 100.000-200.000 đồng với xe máy (mức phạt trước đây là 800.000-1.200.000 đồng) và 1-2 triệu đồng với ôtô (mức phạt trước đây là 6-10 triệu đồng).
Theo đó, thời điểm áp dụng quy định xử phạt trên theo lộ trình, đối với xe ôtô từ 1/1/2015 và đối với xe máy từ 1/1/2017 đồng thời giới hạn các trường hợp kiểm tra xử phạt theo hướng quy định việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên và qua công tác đăng ký xe chứ không kiểm tra phương tiện đang lưu thông trên đường để tránh gây phiền hà cho người tham gia giao thông.
“Như vậy, quy định lùi thời điểm xử phạt đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP đã tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện có đủ thời gian để thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trước khi nhà nước áp dụng các hình thức xử lý vi phạm,” đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết.
Thêm một số hành vi mới bị xử phạt
Nghị định 171/2013/NĐ-CP cũng quy định thêm một số hành vi mới bị xử phạt như: điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn với người điều khiển xe ôtô phạt từ 4-6 triệu đồng, xe máy là 2-3 triệu đồng…
Theo Nghị định, người điều khiển xe ôtô trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 24 tháng (trong trường hợp có Giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 8-10 triệu đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng). Mức phạt này với người lái xe máy, xe máy điện là 2-3 triệu đồng.
Riêng với xe máy điện, từ đầu năm 2014 sẽ xử phạt nghiêm xe máy điện vi phạm luật giao thông với mức thấp nhất từ 60.000 đồng và cao nhất là 20.000.000 đồng tùy từng hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm cũng được mô tả chi tiết, cụ thể hơn, giúp cho việc xác định hành vi vi phạm được chính xác hơn, điển hình là việc mô tả chi tiết người đi xe máy đội các loại mũ bảo hiểm khác (mũ cho người đi xe đạp hoặc mũ bảo hộ lao động) hoặc không đội, đội không đúng quy cách sẽ bị phạt từ 100-200.000 đồng.…
”Với việc ban hành Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được quy định chi tiết, đúng tinh thần, là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện từng bước đi vào cuộc sống trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, đường sắt,” đại diện của Bộ Giao thông Vận tải bày tỏ quan điểm./.