Việt Nam-Campuchia tăng quan hệ hợp tác thương mại biên giới

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải dẫn đầu đã có buổi làm việc với đại diện liên ngành và một số địa phương Campuchia về tăng cường quan hệ hợp tác thương mại biên giới.
Việt Nam-Campuchia tăng quan hệ hợp tác thương mại biên giới ảnh 1Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak (trái) trao quà lưu niệm cho Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải. (Ảnh: Minh Hưng-Chanh Đa/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, ngày 10/5, tại thủ đô Phnom Penh, trong khuôn khổ nhằm tăng cường hợp tác thương mại biên giới Việt Nam-Campuchia, đoàn công tác của Bộ Công thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dẫn đầu đã có cuộc làm việc với đại diện liên ngành và một số địa phương Campuchia do Bộ trưởng Bộ Thương mại nước này, ông Pan Sorasak làm trưởng đoàn.

Cuộc làm việc được tiến hành nhằm cùng nhau đánh giá và tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy việc xây dựng Chợ Da, chợ biên giới kiểu mẫu đầu tiên giữa hai nước hoàn thành đúng tiến độ vào cuối năm 2018, tiến tới đề xuất kế hoạch xây dựng tiếp các chợ biên giới, góp phần phát triển hạ tầng thương mại qua biên giới Việt Nam-Campuchia.

[Lãnh đạo cao cấp Campuchia đánh giá cao quan hệ hợp tác với Việt Nam]

Đồng thời hai bên thảo luận một số vấn đề liên quan đến “Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới giai đoạn 2018-2019” dự kiến được tổ chức tại Campuchia trong năm 2018 và “Đề án phát triển thương mại biên giới Việt Nam-Campuchia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.”

Tại buổi làm việc, hai bên thống nhất đánh giá, quan hệ thương mại song phương nói chung và quan hệ biên mậu giữa hai nước nói riêng đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước nói riêng, cũng như góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước nói chung.

Về đề xuất xây dựng tiếp các chợ biên giới giữa hai nước, hai bên thống nhất đánh giá, việc hoàn thành sớm và sớm đưa chợ Đa vào sử dụng có hiệu quả sẽ là cơ sở quan trọng để hai Bộ đề xuất xây dựng và phát triển các chợ biên giới tiếp theo.

Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp đưa nội dung xây dựng các chợ biên giới tiếp theo vào nội dung kiến nghị chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ, nhất là cùng kiến nghị tại Kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Campuchia dự kiến được tổ chức vào ngày 16/5 tới.

Đối với “Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2018-2019,” hai bên nhận thấy sẽ không kịp tổ chức cùng dịp Kỳ họp lần thứ 16 Ủy Ban hỗn hợp Việt Nam-Campuchia. Do vậy, Bộ Thương mại Campuchia sẽ có công hàm chính thức với phía Việt Nam về thời gian, địa điểm tổ chức Hội nghị cũng như vấn đề kinh phí có liên quan.

Về “Đề án phát triển thương mại biên giới Việt Nam-Campuchia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” do Bộ Công thương Việt Nam dự thảo, Bộ trưởng Bộ Thương mại Pan Sorasak cho biết sẽ báo cáo Chính phủ tổ chức họp liên ngành nghiên cứu, bổ sung và trao đổi với phía Việt Nam để hai bên sớm hoàn thiện dự thảo và ký kết thông qua.

Theo chương trình, từ ngày 10-11/5, Đoàn công tác của Bộ Công thương sẽ đi thực địa và làm việc với các đơn vị xây dựng Chợ Da và các cơ quan chức năng của hai bên để kiểm tra tiến độ xây dựng.

Việt Nam-Campuchia tăng quan hệ hợp tác thương mại biên giới ảnh 2Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Minh Hưng-Chanh Đa/TTXVN)

Quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” Việt Nam-Campuchia đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước trong năm 2017 đã đạt 3,8 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2016.

Hai bên đều đã thể hiện quyết tâm sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại tại biên giới hai nước, góp phần sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 5 tỷ USD trong thời gian ngắn sắp tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.