Việt Nam-Campuchia thúc đẩy hợp tác công nghệ thông tin kỷ nguyên số

Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia đã phối hợp tổ chức Diễn đàn hợp tác công nghệ thông tin Việt Nam-Campuchia 2017.

Ngày 18/12, tại thủ đô Phnom Penh, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia đã phối hợp tổ chức Diễn đàn hợp tác công nghệ thông tin Việt Nam-Campuchia 2017.

Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm “Năm hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2017,” kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia (1967-2017).

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam

Hoàng Vĩnh Bảo cho biết Việt Nam hiện có nhiều doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin có tiềm lực mạnh cả về vốn, công nghệ, đội ngũ nhân lực và kinh nghiệm quản lý, khai thác như Viettel, VNPT, FPT, VTC, Mobifone...

Thứ trưởng nhấn mạnh các doanh nghiệp này luôn được quan tâm, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện trong hoạt động đầu tư kinh doanh ra nước ngoài, nhất là tại quốc gia có quan hệ hợp tác đặc biệt như Campuchia.

Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam mong muốn được cùng các cơ quan chức năng của Campuchia tăng cường hợp tác thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm giữa cơ quan quản lý nhà nước, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp hai nước.

Quốc vụ khanh Bộ Bưu chính viễn thông Campuchia Kan Chanmeta đánh giá cao việc công ty Metfone, đơn vị thành viên của Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel tích cực hợp tác và hỗ trợ Chính phủ Campuchia trong quá trình xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử; đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Kế hoạch tổng thể Công nghệ thông tin tới năm 2020 và Chính sách phát triển viễn thông-Công nghệ thông tin tới năm 2020 của Campuchia đã được chính thức công bố vào tháng 8/2014 và vào tháng 4/2016. Trong đó, xác định 5 dự án ưu tiên, gồm khung chính phủ điện tử, an ninh mạng, đào tạo trực tuyến, thương mại điện tử và du lịch điện tử.

Đồng thời, Chính sách phát triển Viễn thông-Công nghệ thông tin 2020 cũng hướng tới mục tiêu tăng cường và mở rộng kết nối hạ tầng Công nghệ thông tin-TT; phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy công nghiệp và ứng dụng Công nghệ thông tin nhằm đảm bảo sự sẵn sàng và kết nối trong kỷ nguyên số của Campuchia.

Tại diễn đàn, đại diện các bộ ngành thông tin và doanh nghiệp hai nước đã cùng nhau sẻ kinh nghiệm quản lý, xu thế công nghệ và bài học kinh nghiệm trong triển khai chính phủ điện tử ở mỗi quốc gia.

Đại diện các doanh nghiệp như Metfone, Smart, FPT đã trình bày các giải pháp công nghệ, đề xuất mô hình hợp tác công tư nhằm thúc đẩy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin với các Bộ, ngành của Campuchia trong các lĩnh vực tài chính-ngân hàng, giáo dục-đào tạo cũng như các xu hướng mới về phát triển đô thị thông minh trong kỷ nguyên số.

Để thúc đẩy hợp tác về công nghệ thông tin giữa hai nước trong thời gian tới, các đại biểu tham dự Diễn đàn đề nghị chính phủ và các bộ ngành hai nước thường xuyên tổ chức trao đổi đoàn để học tập, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với nhau trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của mỗi nước trong giai đoạn hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.