Nhận được ý kiến của các bộ, ngành, địa phương góp ý cho Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương, đã nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện Kế hoạch Quy hoạch Điện VIII.
Bộ Công Thương đã có Tờ trình Chính phủ về dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, trong đó xác định nguồn vốn cần để đầu tư, xây dựng các dự án điện đến 2030 dự kiến khoảng 134,7 tỷ USD.
Theo Tờ trình, về phân kỳ vốn đầu tư, dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII đưa ra giai đoạn 2021-2025 là 57,1 tỷ USD trong đó nguồn điện là 48,1 tỷ USD và lưới truyền tải là 9,0 tỷ USD.
Vốn đầu tư giai đoạn 2026-2030 là 77,6 tỷ USD trong đó nguồn điện 71,7 tỷ USD và lưới truyền tải là 5,9 tỷ USD.
Các đề án/dự án ưu tiên về hoàn thiện chính sách pháp luật và tăng cường năng lực của ngành điện sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Ước tính nhu cầu vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng.
Bộ Công Thương cho biết công suất các nguồn điện linh hoạt, điện nhập khẩu, điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII được xác định phù hợp với cơ cấu nguồn điện đến năm 2030.
Cụ thể, đối với nguồn điện linh hoạt dự kiến phát triển 300 MW ưu tiên phát triển tại các khu vực có khả năng thiếu hụt công suất dự phòng; tận dụng hạ tầng lưới điện sẵn có.
Đối với nhập khẩu điện, giai đoạn tới năm 2030, dự kiến nhập khẩu khoảng 5.000 MW từ Lào, có thể tăng lên 8.000 MW khi có điều kiện thuận lợi với giá điện hợp lý để tận dụng tiềm năng nguồn điện xuất khẩu của Lào.
Đối với nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới, những vị trí có tiềm năng xuất khẩu điện ra nước ngoài là khu vực miền Trung và miền Nam với quy mô xuất khẩu từ 5.000 MW đến 10.000 MW năm 2030 khi có các dự án khả thi.
Về nhu cầu điện năng lượng tái tạo cho sản xuất các loại năng lượng mới (như hydro xanh, amoniac xanh) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, ưu tiên phát triển tại các khu vực có tiềm năng năng lượng tái tạo cao, thuận tiện trong vận chuyển là khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ; quy mô phát triển phấn đấu đạt 5.000 MW vào năm 2030 (chủ yếu là nguồn điện gió trên biển) và sẽ được xác định rõ khi có các dự án khả thi về công nghệ và giá thành. Công suất nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới không tính vào cơ cấu nguồn điện cung cấp cho phụ tải hệ thống điện quốc gia.
Ngoài ra, kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII đã xác định nhu cầu sử dụng đất, mặt biển trên cơ sở kết quả tính toán nguồn và lưới điện truyền tải dự kiến đầu tư giai đoạn 2021-2030. Nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương.
[Bộ Công Thương: Thiếu pháp lý để EVN làm điện gió ngoài khơi]
Tổng nhu cầu sử dụng đất cho toàn quốc là gần 90.3000ha. Trong đó, nhiều nhất là khu vực Bắc Bộ với nhu cầu khoảng 34.000ha. Tiếp theo là khu vực Bắc Trung Bộ là 14/400ha; khu vực có nhu cầu sử dụng đất ít nhất cho các công trình điện là khu vực Trung Trung Bộ với hơn 8.700ha.
Để thực hiện Quy hoạch, dự thảo Kế hoạch cũng đề ra các giải pháp như đảm bảo an ninh cung cấp điện; tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư phát triển ngành; pháp luật và chính sách; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai; khoa học và công nghệ; sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; phát triển nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế; tăng cường năng lực trong nước, nội địa hóa thiết bị ngành điện, xây dựng phát triển ngành cơ khí điện; tổ chức quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động điện lực; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Cũng trong Tờ trình, Bộ Công Thương nêu rõ vấn đề pháp lý cho cả điện gió ngoài khơi và điện mặt trời tập trung vẫn chưa rõ ràng.
Theo Bộ Công Thương, việc xác định cụ thể dự án và doanh nghiệp trong nước triển khai dự án điện gió ngoài khơi thí điểm gặp nhiều khó khăn. Đó là hành lang pháp lý cho phát triển điện gió ngoài khơi còn chưa rõ ràng (chưa phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia, chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển); pháp luật về đầu tư chưa quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư điện gió ngoài khơi.
Vì vậy, Bộ Công Thương khẳng định chưa có cơ sở pháp lý để giao cho EVN và các doanh nghiệp trong nước triển khai các dự án điện gió ngoài khơi.
Đồng thời, trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện lực sửa đổi đã đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư để quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi./.