Việt Nam cần tận dụng cơ hội để vượt khó và bắt nhịp xu thế

Theo Tiến sỹ Võ Trí Thành, Việt Nam cần tận dụng cơ hội để vượt khó, bắt nhịp xu thế; tạo dựng được những nền tảng cơ bản tốt, chất lượng hơn về thể chế, hạ tầng lẫn nguồn nhân lực để bứt phá.

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Việt Nam cần tận dụng cơ hội để vượt khó, bắt nhịp xu thế; tạo dựng được những nền tảng cơ bản tốt, chất lượng hơn cả về thể chế, hạ tầng lẫn nguồn nhân lực để bứt phá phát triển.

Đây là nhận định của Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tại Hội thảo Khoa học “Kinh tế Việt Nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định” do Viện Kinh tế Việt Nam của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tổ chức ngày 11/4, tại Hà Nội.

Theo Tiến sỹ Võ Trí Thành, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhưng kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Theo đó, tăng trưởng trong quý 1/2023 đạt 3,3% (6 tháng là 3,7%; 9 tháng là 4,2%; cả năm là 5,1%). Dù Việt Nam thuộc “nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh trên thế giới” nhưng mức tăng trưởng vẫn thấp so với mục tiêu 6,5% Quốc hội đề ra.

Để cải thiện mức tăng trưởng này, Tiến sỹ Võ Trí Thành cho rằng Chính phủ Việt Nam cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tiêu dùng, đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng qua tận dụng việc nâng cấp quan hệ đối tác với các quốc gia lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc; đồng thời, tiếp tục có chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp.

Việc cải cách thể chế và sửa đổi khung pháp lý cũng cần được tiếp tục triển khai để tạo sự phát triển bền vững, nền tảng cho các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh. Đây sẽ là những giải pháp quan trọng trong định hình hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024.

“Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa thận trọng, đồng thời thúc đẩy cải cách kinh tế và hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, từ đó, duy trì đà tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong giai đoạn tới,” Tiến sỹ Võ Trí Thành chia sẻ.

ttxvn_tien sy Vo Tri Thanh.jpg
Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, chia sẻ tổng quan về kinh tế Việt Nam. (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Đánh giá tổng quan về tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước, Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng trong giai đoạn 2023-2024, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu.

Những “cơn gió ngược” từ kinh tế thế giới về xung đột chính trị, lạm phát và lãi suất tăng cao, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm… đã gây những tác động bất lợi, khiến kinh tế Việt Nam giảm đà tăng trưởng một cách đáng kể, có những lúc xuống mức thấp trong nhiều năm trở lại đây. Tình hình sản xuất kinh doanh trong nước gặp rất nhiều khó khăn; đơn hàng suy giảm hàng loạt; nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm.

Theo Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, song Chính phủ đã điều hành kinh tế vĩ mô năm 2023 đạt được những thành công đáng ghi nhận. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 5,05%, dù thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thế giới (3,1%), cao mức bình quân trong khu vực ASEAN-5 (4,2%). Bên cạnh đó, nền tảng kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, lạm phát thấp, tỷ giá biến động nhỏ, thu chi ngân sách ổn định, đầu tư nước ngoài tăng mạnh.

Đề xuất các giải pháp chính sách, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư, khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Cùng với đó, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Chính phủ cần nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước tham gia vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia thông qua quá trình cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp này. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài; khuyến khích quá trình tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Với mục tiêu đánh giá chuyên sâu thực trạng của nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng kinh tế năm 2024, các chuyên gia, nhà quản lý dự Hội thảo khoa học “Kinh tế Việt Nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định” cũng làm rõ thực trạng phục hồi sau những cú sốc tiêu cực từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế, làm rõ nhân tố tác động liên quan.

150 khách mời là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các hiệp hội, ngân hàng và các doanh nghiệp, hiệp hội… đã trao đổi, thảo luận một số vấn đề về: thị trường bất động sản Việt Nam: thuận lợi, thách thức trong phục hồi; hoạch định và thực thi chính sách ứng phó với bất ổn và phục hồi kinh tế của Chính phủ: thành tựu, hạn chế và giải pháp; đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh nhằm hồi sinh và phát triển doanh nghiệp Việt Nam…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.