Theo phóng viên TTXVN tại Canada, ngày 3/12, Đại sứ quán Việt Nam tại Canada đã phối hợp với Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam tổ chức hội thảo “Giao thương Việt Nam-Canada trong CPTPP: Đường hướng và khuyến nghị cho thời hậu COVID-19.” Hội thảo có sự tham gia của khoảng 70 đại biểu.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Cao Phong nhấn mạnh việc Việt Nam chủ động tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngay từ đầu là minh chứng cho cam kết của Chính phủ Việt Nam mong muốn đẩy mạnh chương trình cải cách thể chế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc tham gia các FTA, trong đó có CPTPP, thúc đẩy năng lực sản xuất chế tạo cũng như hoạt động thương mại xuyên biên giới của Việt Nam.
Trong quan hệ với Canada, Đại sứ Phạm Cao Phong lưu ý giao dịch hàng hóa giữa hai nước mang tính bổ sung cho nhau nhiều hơn là cạnh tranh. Việt Nam xuất khẩu điện thoại di động, hàng dệt may, giày dép, hải sản và đồ gỗ đến Canada, trong khi nhập khẩu từ Canada các sản phẩm nông nghiệp như lúa mì và đậu tương, khoáng sản, hóa chất, máy móc và thiết bị cơ khí. Đặc biệt, ngày càng có nhiều doanh nhân Canada coi Việt Nam là điểm đến hứa hẹn để đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận và tìm “đáp án” cho các câu hỏi như làm thế nào để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng to lớn của CPTPP khi các chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu trúc trong đại dịch COVID-19, làm thế nào để các doanh nghiệp hai nước tăng cường hiểu biết lẫn nhau và cần làm gì để khuyến khích các doanh nghiệp Canada đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam...
[Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Canada]
Bà Cindie-Ève Bourassa, Giám đốc phụ trách đa dạng hóa thương mại và xúc tiến FTA thuộc Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada chia sẻ quan điểm chung của các đại biểu, cho rằng đại dịch COVID-19 đang tạo ra những thách thức lớn đối với chuỗi cung ứng nhưng hệ thống thương mại thế giới với các thỏa thuận như CPTPP đã thể hiện được tầm quan trọng của mình.
CPTPP là một hiệp định “thế hệ mới”, mang đến cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng thị trường xuất - nhập khẩu, lựa chọn đối tác kinh doanh và đầu tư thông qua việc cắt giảm mạnh thuế quan tại thị trường khổng lồ có tới 500 triệu dân, nắm giữ 13% GDP toàn cầu và 15% giao dịch thương mại của thế giới.
CPTPP đã đi vào thực thi trong gần 2 năm qua, không chỉ thúc đẩy thương mại mà còn xóa bỏ các rào cản phi thuế quan và tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.
Các nhà đầu tư Canada có năng lực cạnh tranh trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần, như dầu khí, cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch. Giáo dục cũng được đánh giá là lĩnh vực tiềm năng để hai nước đẩy mạnh hợp tác trong bối cảnh Việt Nam hiện chi khoảng 3 tỷ USD mỗi năm cho du học và ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam quan tâm đến chương trình giảng dạy của Canada.
Ông Arvind Vijh, Phụ trách Văn phòng Quốc tế Deloitte Canada, cho rằng các doanh nghiệp Canada cần nghiên cứu và tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, quốc gia không chỉ là thành viên của CPTPP mà còn tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và là một thành viên của ASEAN.
Ông Vijh khuyến nghị các doanh nghiệp Canada có thể đưa Việt Nam trở thành một cơ sở cung ứng cho các thị trường đang phát triển nhanh ở châu Á trong bối cảnh các chuỗi cung ứng có xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Việt Nam, một trung tâm FTA ở châu Á-Thái Bình Dương, và Canada đã chứng kiến kim ngạch trao đổi thương mại song phương không ngừng tăng lên trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi CPTPP có hiệu lực.
Năm 2019, giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 6,1 tỷ USD, tăng 23,4% so với năm 2018. Năm nay, thương mại song phương dự kiến sẽ tăng 10% so với năm ngoái và Việt Nam vẫn giữ vững vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN kể từ năm 2015./.