Việt Nam chế tạo thành công bộ KIT chẩn đoán virus SARS-CoV-2

Vật liệu được sử dụng để phát triển bộ Kit chẩn đoán là mẫu RNA đã được tách chiết từ virus SARS-CoV-2 gây bệnh cho bệnh nhân Việt Nam do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cung cấp.
Việt Nam chế tạo thành công bộ KIT chẩn đoán virus SARS-CoV-2 ảnh 1Kỹ thuật viên khoa Sinh học phân tử, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thực hiện thử nghiệm thiết bị xét nghiệm chẩn đoán SARS CoV-2. Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Chiều 3/3, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố chế tạo thành công bộ Kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2 có độ đặc hiệu 100% với thời gian của chẩn đoán là 80 phút từ khi nhận mẫu RNA của bệnh nhân.

Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ngay từ khi dịch khởi phát, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã giao ngay 2 nhiệm vụ khẩn cấp cho Viện Công nghệ sinh học gồm: “Giải trình tự hệ gene của virus SARS-CoV-2 gây bệnh trên các bệnh nhân người Việt Nam” và “Xây dựng và chế tạo bộ KIT chẩn đoán virus SARS-CoV-2.”

Nhóm nghiên cứu do phó giáo sư, tiến sỹ Đồng Văn Quyền và phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Duy Kháng đứng đầu đã chế tạo thành công bộ KIT chẩn đoán virus SARS-CoV-2. Bộ Kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2 được phát triển dựa trên công nghệ Realtime RT-PCR trên cơ sở các bộ mồi và mẫu dò được thiết kế và chỉnh lý dựa trên các gene và vùng gene quan trọng của virus SARS-CoV-2 được phân lập tại Việt Nam mà nhóm nghiên cứu đã giải trình tự.

[Giới khoa học Việt nhập cuộc nhanh trong nghiên cứu virus SARS-CoV-2]

Vật liệu được sử dụng để phát triển bộ Kit chẩn đoán là mẫu RNA đã được tách chiết từ virus SARS-CoV-2 gây bệnh cho bệnh nhân Việt Nam do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cung cấp.

Các gene cũng như các vùng gene được nhân dòng từ RNA của virus SARS-CoV-2 để làm mẫu chuẩn cho việc nghiên cứu và cung cấp các trình tự cho việc thiết kế các bộ mồi và mẫu dò; các mẫu RNA của một virus gây bệnh đường hô hấp ở người do bệnh viện Trung ương quân đội 108 và Viện Y học dự phòng quân đội (Bộ Quốc phòng) cung cấp.

Phó giáo sư, tiến sỹ Đồng Văn Quyền cho biết dựa trên nền tảng kiến thức về sinh học phân tử và vi rút học, các nhà Khoa học của Viện đã hợp tác với các đơn vị trong nước như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Y học dự phòng quân đội; kết nối với các Trung tâm quốc tế như CDC Trung Quốc, CDC USA, CDC Nhật Bản, WHO... để khai thác triệt để các thông tin về trình tự hệ gene của virus SARS-CoV-2 cũng như các kỹ thuật chẩn đoán virus SARS-CoV-2 để gấp rút nhân dòng và giải mã các gen và vùng gen quan trọng của virus SARS-CoV-2 phân lập ở Việt Nam.

Những thông tin và kỹ thuật này là cơ sở cho việc phát triển Kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2 tại Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Các hóa chất được sử dụng trong bộ Kit bao gồm các sinh phẩm dùng cho việc nhân gene, kiểm tra gene, các Master Mix, các bộ mồi và mẫu dò để chế tạo Kit. Các thiết bị chính được sử dụng trong nghiên cứu bao gồm tủ cấy vô trùng, máy li tâm lạnh, máy nhân gene (PCR), bộ điện di DNA, máy soi chụp gel, máy quang phổ NanoDrop, tủ lạnh sâu -80 độ C, tủ lạnh thường, máy Real-time PCR...

Bộ Kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2 đã được thử nghiệm tại Viện Công nghệ sinh học. Đến chiều 2/3, bộ Kit đã được ngoại kiểm, đánh giá về độ nhạy và độ đặc hiệu bởi Viện Y học dự phòng quân đội. Kết quả cho thấy, bộ Kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2 của Viện Công nghệ sinh học có độ nhạy và độ đặc hiệu tương đương với bộ Kit realtime RT-PCR của Tổ chức Y tế Thế giới; có độ đặc hiệu đạt 100%, độ nhạy là 5 copies/phản ứng, thời gian của quy trình chẩn đoán là 80 phút từ khi nhận mẫu RNA của bệnh nhân.

Kết quả nghiên cứu đã khẳng định Viện Công nghệ sinh học đã làm chủ công nghệ hiện đại và hoàn toàn chủ động trong việc tạo bộ Kit realtime RT-PCR dùng để chẩn đoán virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam, không phụ thuộc vào việc nhập ngoại các bộ Kit.

Phó giáo sư, tiến sỹ Chu Hoàng Hà, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học cho biết trong thời gian tới, Viện sẽ phối hợp với Viện Y học dự phòng quân đội sản xuất số lượng nhiều phục vụ yêu cầu xét nghiệm quy mô lớn. Viện cũng đã sẵn sáng phối hợp với các cơ quan chức năng khác để triển khai ứng dụng Kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2 góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Ngoài ra, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ báo cáo Bộ Y tế về kết quả này và sẽ sản xuất số lượng lớn các bộ Kit chẩn đoán, nêu rõ quy trình sử dụng bộ Kit hoặc tham gia xét nghiệm khi có yêu cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.